Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Quý Mão 2023, chính vì thế giá vé máy bay đang tăng liên tục. Thậm chí, một số đường bay với điểm đầu là TPHCM còn “cháy vé”.
Năm nay, gia đình chị Xuân (41 tuổi, kinh doanh tự do) dự định đón Tết Quý Mão ở TPHCM, rồi ra Tết mới về quê Thanh Hóa. Nhà chị có 4 người, nếu muốn về vào ngày 20/1 (tức 29 tháng Chạp), tổng tiền vé máy bay vào khoảng 25 triệu đồng. Chị Xuân nói giá vé cao quá.
“Công việc của 2 vợ chồng sắp xếp phải đến gần đêm giao thừa mới về được. Tôi muốn về lắm chứ, nhưng thôi để mùng 5 về cho vé rẻ. Chồng tôi mới đặt hôm qua, rẻ được bằng 1/10”, chị Xuân tâm sự.
Dù các hãng hàng không liên tục tăng tần suất chuyến bay nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến ngày 6-1 nhằm ngày 15 tháng Chạp, nhiều người dân ở TP HCM vẫn chưa thể mua được vé máy bay dịp Tết.
Anh Ngọc Thanh (ngụ quận 8) cho biết nhiều ngày qua anh “săn lùng” vé máy bay chặng Quy Nhơn – TP HCM mùng 7,8 tháng Giêng nhưng đều không có. Vé máy bay của các hãng chặng này đã “cháy” từ vài tuần nay, khiến anh và cả ngày đang ở thế “dở khóc dở cười” vì mới mua vé chặng về trước Tết, trong khi sau Tết chưa có vé vào.
“Vé hạng thương gia cũng hết từ lâu và nếu có giá cũng rất cao cho cả nhà 4 người, trong khi vé còn rơi vào thứ mùng 9,10 tháng Giêng (tức thứ 2,3) lúc này mới có vé thì trễ cả việc học, việc làm. Tôi đang tính phương án trả lại vé chiều về, ở lại TP HCM đón Tết” – anh Thanh lo lắng.
Một số người khác phải chấp nhận đặt vé hạng thương gia giá cao gấp đôi để trở lại TP HCM làm việc sau Tết. Như trường hợp anh Nguyễn Minh (ngụ quận Gò Vấp) vừa “cắn răng” đặt vé hạng thương gia 5 triệu đồng cho chặng bay Chu Lai – TP HCM sau khi các hãng đều không còn vé hạng phổ thông.
Thực tế, giá vé nhiều đường bay từ TPHCM đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung dịp Tết năm nay còn đắt hơn cả đường bay TPHCM – Hà Nội. Cụ thể, giá vé hạng phổ thông “đường bay vàng” TPHCM – Hà Nội từ ngày 14/1 (tức 24 tháng Chạp) trở đi dao động 3,3-3,5 triệu đồng/chiều. Vé còn nhiều và hành khách cũng có thể lựa chọn được các hãng bay.
Trong khi đó, ở chặng TPHCM – Thanh Hóa, không có chuyến bay nào vé dưới 3 triệu đồng/chiều kể từ ngày 13/1 (tức 23 tháng Chạp). Giá vé đắt hơn ở những ngày kế tiếp.
Từ ngày 16/1, Vietnam Airlines chỉ còn vé cho chặng này hạng thương gia cho chặng bay TPHCM – Thanh Hóa, giá hơn 6 triệu đồng/chiều. Những ngày trước đó, vé phổ thông còn rất ít, và giá 3,6 triệu đồng/chiều.
Tương tự, từ ngày 13/1 Bamboo Airways chỉ còn vé hạng thương gia, giá hơn 6 triệu đồng/lượt. Vé bay của Vietjet Air cũng không còn nhiều, giá khoảng 3,5 triệu đồng/lượt.
Từ TPHCM, hành khách đi Vinh (Nghệ An) dịp cận Tết giá vé luôn trên 3 triệu đồng/chiều; đi Đồng Hới (Quảng Bình) giá quanh ngưỡng 3 triệu đồng/chiều; đi Hải Phòng giá từ 3,3 triệu đồng/chiều; đi Quy Nhơn (Bình Định) từ ngày 15/1 (tức 24 tháng Chạp) còn không tìm được chuyến bay.
Từ đầu Hà Nội, hành khách đi TPHCM chỉ phải chi 580.000 đồng/chiều; đi Vinh (Nghệ An) giá vé khoảng 1,5 triệu đồng/chiều; đi Đồng Hới (Quảng Bình) giá dao động 1,5-1,8 triệu đồng/chiều tùy ngày; đi Quy Nhơn (Bình Định) giá vé ở vùng giá 1-1,6 triệu đồng/chiều.
Với điểm du lịch như Phú Quốc, giá vé máy bay đi từ Hà Nội dịp này giá chỉ 580.000 đồng/chiều, những ngày sát Tết giá lên 1,3 triệu đồng/chiều. Còn nếu xuất phát từ TPHCM, đi Phú Quốc chỉ hết 1 triệu đồng/chiều.
Theo báo cáo từ các hãng hàng không, tính đến ngày 3/1, tỷ lệ đặt chỗ cao tập trung vào các ngày trước Tết Nguyên đán, cụ thể từ 14/1 đến 19/1 (tức 23 tháng Chạp đến 28 tháng Chạp), trên các chặng bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất đi các cảng hàng không miền Trung, miền Bắc như: TPHCM – Đà Nẵng (66-79%), TPHCM – Cát Bi (66-90%), TPHCM – Phú Bài (61-91%), TPHCM – Thọ Xuân (87-93%), TPHCM – Phù Cát (91-92%), TPHCM – Chu Lai (65-94%), TPHCM – Đồng Hới (81-89%), TPHCM – Vinh (81-92%).
Tại các chặng ngược lại, tỷ lệ đặt chỗ cao tập trung vào các ngày sau Tết, từ 26/1 đến 30/1 (tức mùng 5 tháng Giêng đến mùng 9 tháng Giêng) trên các chặng bay như: Đà Nẵng – TPHCM (71-86%), Hà Nội – TPHCM (48-87%), Cát Bi – TPHCM (84-92%), Phú Bài – TPHCM (75-91%), Thọ Xuân – TPHCM (81-92%), Phù Cát – TPHCM (91-92%), Chu Lai – TPHCM (63-70%), Đồng Hới – TPHCM (55-89%), Vinh – TPHCM (69-90%).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi đơn vị này cấp phép bổ sung slot tại Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên các đường bay từ TPHCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Dẫu vậy, do nhu cầu về quê của người dân rất cao, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay này đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90% vào các ngày sát Tết.
Từ 8/1, các hãng hàng không Việt sẽ khai thác lại đường bay thường lệ đến Trung Quốc, đồng thời cũng lên kế hoạch nâng tần suất hoặc mở thêm đường bay.
Cụ thể, từ 8/1, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ đến nước này. Đây là một tin vui đối với ngành du lịch và hàng không Việt khi Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu về lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt.
Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục khai thác các đường bay (Hà Nội – Nam Kinh/Thượng Hải; TPHCM – Thâm Quyến/Hàng Châu/Thượng Hải/Tứ Xuyên/Quảng Châu) với tần suất 6 chuyến bay/tuần. Và từ tháng 3, hãng này sẽ tăng tần suất khai thác từ 3 lên 5 chuyến/tuần đến các điểm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu.
Vietjet Air hiện khai thác các đường bay TPHCM – Thâm Quyến/Hàng Châu/Thượng Hải/Tứ Xuyên/Vũ Hán với tần suất 6 chuyến bay/tuần. Từ ngày 23/1, hãng này sẽ khai thác thêm các đường bay từ Cam Ranh đến Tràng Sa, Thành Đô, Hạ Phì.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Người Lao Động)