Thông tư 12/2024 được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” đối với tín dụng tiêu dùng. Song, qua thực tế triển khai ban đầu, nhiều người dân vẫn gặp khó khi vay vốn phục vụ đời sống. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn khi tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng.
Vay tiêu dùng: Nới lỏng nhưng còn khó
Theo Thông tư 12/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2024, khách hàng vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Ngân hàng sẽ có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phân khúc cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, nhiều người dân vẫn gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng dưới 100 triệu đồng. Chị Thu Hoài (Hà Nam) cho biết dù không phải chứng minh phương án vay vốn khả thi nhưng người vay vẫn phải chứng minh hàng loạt giấy tờ liên quan. “Không chỉ phải sao kê bảng lương 6 tháng gần nhất kèm theo hợp đồng lao động mà những người đi vay còn vẫn phải cung cấp cả giấy đăng ký kết hôn cũng như thông tin của người cùng trả nợ”, chị Hoài nói.
Trong khi đó, anh Quốc Thiên (Nam Định) cho hay: “Chưa nói đến thủ tục vay vốn, việc lãi suất của các gói tín dụng tiêu dùng vẫn giữ ở mức cao khiến những người đi vay như chúng tôi vẫn ngại ngần”.
Anh Nguyễn Đức Anh, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại, cho biết: “Dù Thông tư 12 không bắt buộc phải chứng minh mục đích sử dụng vốn nhưng chắc chắn ngân hàng nào cũng sẽ điều tra lịch sử tín dụng của khách hàng, thói quen tín dụng hoặc mức lương của khách hàng. Điều này là nhằm để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng bởi bản thân các ngân hàng luôn phải đảm bảo được khả năng thu hồi nợ khi cho vay. Tuy nhiên, nếu so với các khoản vay lớn, những thủ tục kể trên đã đơn giản hơn đáng kể”.
Anh Đức Anh cũng cho biết thêm các ngân hàng có thể sẽ ưu tiên sử dụng kênh số để triển khai các sản phẩm tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới nhằm giảm thiểu thủ tục và giấy tờ, tạo thêm điều kiện thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng, lưu ý rằng việc các thủ tục đơn giản hơn không đồng nghĩa với quy trình phê duyệt khoản vay của các ngân hàng sẽ lỏng lẻo hơn.
“Với các khoản vay có giá trị nhỏ, các tổ chức tín dụng vẫn cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cho vay”, TS Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.
Song, nhìn chung, Thông tư 12 phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng có nhu cầu vay dưới 100 triệu đồng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, qua đó hạn chế tín dụng đen. Về phía ngân hàng, quy định này góp phần giúp ngân hàng mở rộng đối tượng cho vay, tiếp cận và hỗ trợ khách hàng dễ dàng hơn, từ đó tạo động lực tăng trưởng tốt hơn cho hoạt động cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, bà Trang nói với VietnamFinance.
Lạc quan với tăng trưởng tín dụng tiêu dùng
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng trong năm 2024. Tại họp báo “Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến.
Với chỉ thị sát sao từ phía Ngân hàng Nhà nước, trong những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng dần trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của nhiều ngân hàng và đạt được những tăng trưởng ấn tượng về cả quy mô lẫn sản phẩm.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, SHB, VPBank… cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng. Báo cáo từ 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho biết, hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai đến người dân.
Các công ty chứng khoán cũng có cái nhìn lạc quan về tín dụng tiêu dùng. Công ty chứng khoán HSC dự đoán nửa cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục tích cực hơn khi các chính sách tài khóa – tiền tệ tiếp tục có xu hướng hỗ trợ chính sách, thúc đẩy cầu tiêu dùng và đóng góp cho tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Trong khi đó, công ty chứng khoán MB kỳ vọng lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến cho vay tiêu dùng. Số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu của tín dụng tiêu dùng đạt 3,8% vào cuối năm 2023 và tăng lên hơn 4% tính đến hết quý I/2024.
Báo cáo thị trường ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng chỉ ra rằng nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) mới cao hơn so với các ngân hàng khác, đặc biệt là trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trái lại, tỷ lệ nợ xấu mới của một số ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp nhờ việc thắt chặt điều kiện cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng mới. Trong quý II/2024, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng cá nhân cao như ACB, VPBank… cũng đã có sự thay đổi trong cơ cấu tín dụng khi mảng “gánh vác” cho tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này lại là mảng khách hàng doanh nghiệp.
Số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu của tín dụng tiêu dùng đạt 3,8% vào cuối năm 2023 và tăng lên hơn 4% tính đến hết quý I/2024.
Theo Vietnamfinance