“Chờ” và “đợi” vẫn là tâm lý chung của các doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc ở thời điểm hiện tại và cái khó lúc này, như chia sẻ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là họ cần một sự chắc chắn để hoạch định chiến lược kinh doanh…
Như chia sẻ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là họ cần một sự chắc chắn để hoạch định chiến lược kinh doanh, đầu tiên là trong ngắn hạn, rồi mới tới kế hoạch trong trung và dài hạn, mà khi các doanh nghiệp địa ốc vẫn còn trong tâm thế chờ đợi thì nhiều ngành kinh tế khác khó có thể bứt tốc.
Câu chuyện trực diện nhất là ngành xây dựng, như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp trong cả 2 vai là đại diện tiếng nói của các nhà thầu xây lắp và chủ đầu tư, đó là tình trạng chậm lương và mất việc của nhiều lao động ngành này. Theo ông Hiệp, “nợ đọng” trở thành nỗi ám ảnh của từng nhà thầu khi chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính không thể thanh toán chi phí xây dựng. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo nguồn tài chính duy trì hoạt động, các nhà thầu xây lắp buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, dừng thi công các dự án.
Thời gian qua, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn trên cả nước, nhưng vấn đề là các nhà thầu xây lắp nào thực sự được hưởng lợi từ động thái này. Ông Hiệp cho biết, chỉ một số ít nhà thầu lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công mới có việc làm, trong khi đa phần nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chưa kể, doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để có kinh phí hoạt động, nhưng phải làm xong dự án mới được thanh toán, nếu chủ đầu tư cũng không thể chi trả thì không biết xoay xở thế nào.
“Vấn đề ở đây là thiếu cơ chế bảo vệ, nếu tình trạng này còn kéo dài thì các nhà thầu xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản hàng loạt”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Không chỉ xây lắp, việc thị trường địa ốc gặp khó, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, còn ảnh hưởng tới ngành tài chính – ngân hàng bởi sẽ khiến chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng giảm sút, khi phần lớn tài sản đảm bảo tại ngân hàng là bất động sản.
“Bất động sản là ngành quan trọng với nền kinh tế, có mức độ lan tỏa rộng. Do đó, vấn đề không chỉ là tìm cách phục hồi thị trường, mà còn là ngăn chặn rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính. Cần tranh thủ đưa vào triển khai thật nhanh những quyết định, cơ chế đã được ban hành, nếu không sẽ không kịp”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, đối tượng cần tập trung hỗ trợ đầu tiên là các doanh nghiệp bất động sản đang điêu đứng bởi không có khả năng tiếp cận vốn mới từ ngân hàng, đang trong quá trình đàm phán tái cấu trúc, đảo nợ…; tiếp theo là nhà đầu tư dùng nhiều đòn bẩy nợ vay để đầu tư bất động sản hiện bị kẹt thanh khoản, bởi nếu xảy ra vấn đề thì cả người vay và ngân hàng cho vay đều phải gánh chịu hậu quả.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ cho các dự án đang vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng, nếu ưu tiên giải quyết sẽ có tác động lan tỏa.
“Ba sắc luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang trong quá trình sửa đổi nên có thể bổ sung thêm các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường và tôi cho rằng, nên xây dựng luật theo hình tháp ngược, tức là một thông tư, nghị định có thể hướng dẫn nhiều luật có liên quan đến cùng một vấn đề”, ông Hiếu nói.
Còn theo ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khó khăn của thị trường và doanh nghiệp bất động sản đặt ra nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Song, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp gỡ vướng cho thị trường và bắt đầu có tác động tích cực. Dù vậy, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tái cấu trúc để nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, mấu chốt vấn đề là “niềm tin” của các chủ đầu tư và người mua trước các thông điệp chính sách, cũng như việc thực thi những chính sách đó tại các địa phương. Một thực tế rất đáng lo ngại hiện nay, như lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ, đó là tình trạng cán bộ chuyên trách mang tâm lý e sợ, đùn đẩy trách nhiệm, có những vấn đề tưởng chừng đơn giản trong đầu tư dự án, nhưng khi doanh nghiệp hỏi thì sở này đẩy sang sở kia, cấp thành phố thì đẩy lên lên bộ, bộ này lại chuyển sang bộ khác… rồi lại trả về địa phương, gây chậm trễ, lãng phí thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(ĐTCK)