Sắp tới, sẽ có một lượng lớn nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay để nắm bắt thời điểm mà họ xác định là đáy để xuống tiền.
Nhìn chung, theo đánh giá của các thành viên thị trường, chưa bao giờ thị trường bất động sản đón nhận nhiều chính sách hỗ trợ như thời gian qua. Càng về cuối năm, các tín hiệu tích cực càng thể hiện rõ nét do các chính sách dần thẩm thấu, nhất là cơ chế điều tiết tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, tạo điều kiện hơn cho người mua nhà tiếp cận với các gói vay lớn từ Ngân hàng Nhà nước.
Ghi nhận từ các ngân hàng cho thấy, mặc dù lãi suất cho vay thả nổi đa phần đều trên mức 10%/năm, nhưng so với hồi đầu năm hiện đã thấp hơn đáng kể. Với mức giá căn hộ 2 phòng ngủ trung bình hiện vào khoảng 2,8-3,3 tỷ đồng, tỷ lệ vay 50%, cộng thêm các chương trình ân hạn nợ gốc, mỗi tháng người mua nhà phải chi trả từ 12-18 triệu đồng – được đánh giá ở mức độ vừa phải đối với một bộ phận người mua nhà ở thực vào thời điểm hiện tại.
Chưa kể, so với giai đoạn trước, các ngân hàng cũng mở “hầu bao” nhiều hơn với nhóm đối tượng mua nhà ở thực vay trả góp theo tiến độ khi các dự án cho vay đều là các dự án tốt đã được kiểm chứng, người đi vay vào thời điểm hiện tại đều là những đối tượng đảm bảo chắc chắn được thu nhập mới dám đi vay, thay vì mạo hiểm “tay không bắt giặc” như trước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản lúc này là thị trường của người mua. Thậm chí, các doanh nghiệp môi giới cũng trở nên thận trọng hơn thông qua việc lựa chọn kỹ càng chủ đầu tư và sản phẩm phân phối. Nhìn chung, khi sàn môi giới thận trọng hơn, “chọn mặt gửi vàng” trong việc lựa chọn sản phẩm môi giới, các chủ đầu tư phải làm chỉnh chu hơn, tử tế hơn để có thể chào bán dự án thành công. Điều này về lâu dài sẽ tác động tích cực đến thị trường chung và khôi phục được niềm tin từ khách hàng mua bất động sản.
Còn bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhà ở sẽ vẫn ở mức cao trong dài hạn với tỷ lệ di cư thuần dương, dân số tăng và tốc độ đô thị hóa cao. Theo thông lệ, vào quý IV của năm, nguồn tiền sẽ cải thiện hơn nhờ các khoản đáo hạn vào cuối năm, điều này có thể sẽ là động lực hỗ trợ người mua đưa ra quyết định mua nhà. Đồng thời, một điểm thuận lợi nữa là mức lãi suất cho vay mua nhà đã có sự điều chỉnh hợp lý nên cũng góp phần thúc đẩy quyết định xuống tiền.
“Thời gian gần đây, Chính phủ tích cực thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các hoạt động kinh tế nhờ đó cũng phần nào được cải thiện, hỗ trợ thị trường bất động sản thu hút được thêm dòng tiền và gia tăng nhu cầu. Ngoài ra, dự án sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển”, bà Hằng nhận định.
Sự nhộn nhịp của thị trường dần trở lại qua từng quý, từng tháng với lượng giao dịch tăng lên khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt kèm theo việc chủ động cơ cấu lại nguồn hàng và xây dựng các chương trình chiết khấu ưu đãi của các chủ đầu tư.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)