Có thể thấy, tâm lý chờ đợi giá bất động sản tiếp tục giảm mới xuống tiền đã khiến cả thị trường rơi vào trạng thái “chờ” suốt những tháng qua. Không ít nhà đầu tư chuộng phương án giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm, chờ địa ốc xuất hiện vùng trũng giá giảm sâu mới xuống tiền mua.
Việc lo ngại khó tiếp cận tín dụng, lãi suất trên đà tăng và làn sóng giảm giá có thể mạnh lên thời gian tới, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi. Nhiều người lo ngại nếu xuống tiền quá sớm có thể vuột mất cơ hội bắt đáy.
Nhiều người chờ lãi suất giảm để mua BĐS cũng có thể mất cơ hội với BĐS tốt. Nguyên nhân là, dù giá nhà thấp hơn trước, nhưng nguồn cung phù hợp còn hạn chế sẽ khiến người mua càng chờ đợi càng đánh mất nhiều lựa chọn tốt. Ngay cả khi lãi suất giảm, mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn vì số lượng người có khả năng mua nhà tăng lên. Cạnh tranh càng cao thì cơ hội mua được nhà càng thấp.
“Thị trường sẽ thay đổi đáng kể và cả người mua và người bán cần phải thích nghi với thời cuộc. Nếu là người bán, định giá căn nhà của bạn một cách phù hợp là rất quan trọng. Nếu là người mua, chờ đợi mua với giá hời có thể khiến mất cơ hội sở hữu một căn nhà tốt. Việc hiểu và chấp nhận tình trạng hiện tại của thị trường, đồng thời cân bằng với khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng có thể mang lại cơ hội giao dịch thành công cho cả hai bên”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, hiện nhiều nhà đầu tư xác nhận giữ tiền mặt để dự phòng rủi ro, gửi tiết kiệm với mục đích sẵn sàng chủ động nắm bắt cơ hội mua hàng giá tốt là phản ứng bình thường. Có thể thị trường sẽ xuất hiện các “vùng trũng” bất động sản giá hợp lý, pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng tốt có thể phù hợp để đầu tư thời gian tới. Vùng trũng này là khu vực có những bất động sản chào bán giá thấp hơn 30-50% so với những sản phẩm tương đồng gần đó.
Tình trạng chung của nhiều nhà đầu tư có tài chính tốt là gửi ngân hàng và tiếp tục nghe ngóng diễn biến của thị trường BĐS trong năm 2023. Có nhiều người đáo hạn ngân hàng dự kiến khoảng từ quý 2/2023 trở đi bắt đầu tìm vùng trũng giá để mua vào.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng, số lượng người bán ngộp tài chính sẽ ngày càng nhiều vào cuối năm nay và đầu năm 2023. Vì thế, họ quyết định chờ đợi thêm để có nhiều lựa chọn về sản phẩm và giá.
Tuy nhiên, diễn biến của thị trường địa ốc chưa thể hiện việc xả hàng đồng loạt ở thời điểm này. Các trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao sẽ phải bán bớt tài sản, giảm tỷ lệ vay. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá, cắt lỗ, cắt lãi để thu hồi dòng tiền. Thế nhưng, đến hiện tại, việc giảm giá BĐS chỉ rơi vào khoảng 20-40%, ở các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực sự “đuối sức” dòng tiền, ngộp ngân hàng.
Điều này không đại diện cho toàn thị trường BĐS. Trong khi lượng nhà đầu tư có tài sản vẫn giữ hàng chờ tín hiệu tốt lên từ thị trường.
Đã có những lo ngại về tình hình thị trường BĐS hiện nay sẽ rơi vào “giấc ngủ đông” như chu kỳ 10 năm trước.
Trả lời báo chí mới đây về câu hỏi: Thị trường BĐS hiện tại có giống với giai đoạn 2011-2013, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, 2 giai đoạn có những điểm tương đồng và biểu hiện khác nhau.
Năm 2012, thị trường BĐS vướng phải nợ xấu. Bây giờ có biểu hiện có thể có nợ xấu chứ chưa tác động mạnh như 10 năm trước. Con số nợ xấu chính thức năm 2012 là 100.000 tỉ đồng. Còn hiện tại, có hiện tượng các ngân hàng chào bán nợ xấu, chào bán bất động sản thế chấp nhưng chưa đến mức có những cục máu đông trong dòng tiền như trước.
Tỷ lệ lạm phát trong nước giai đoạn 2011-2013 lên đến 17-18%, nhưng hiện nay Nhà nước vẫn giữ ở mức 4%. Đó là mức độ thông thường. Tuy nhiên, hiện nay áp lực trái phiếu doanh nghiệp mạnh hơn thị trường vốn từ ngân hàng.
Theo GS Hùng, việc “chữa bệnh” cho thị trường BĐS hiện nay khác với 10 năm trước. Giải pháp trước mắt chính là câu chuyện tài chính. Đầu tiên phải kiểm soát được thị trường trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành phải có đủ tiêu chuẩn năng lực tài chính đảm bảo phát hành trái phiếu ra và không có bất kỳ rủi ro nào. Còn thị trường BĐS hiện nay vấn đề dư cung đáng sợ hơn thanh khoản. Tính thanh khoản yếu là do tâm lý nhiều người không tin vào thị trường. Bởi sau một loạt vụ đổ bể của phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp…
“Tôi cho rằng 2023 chúng ta cố gắng tháo gỡ pháp luật. Nhưng tôi không dám chắc được là 2023 chúng ta có thể giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Vấn đề về vốn có thể giải quyết được, nhưng vấn đề pháp luật là câu chuyện rất phức tạp. Đặc biệt khi nó gắn với câu chuyện chống tham nhũng. Đó là cả một vấn đề lớn. Hiện nay chúng ta rất cần tính chuyên môn cao để có một hệ thống pháp luật phù hợp với nhu cầu chống tham nhũng. Còn nếu không chúng ta cứ quy định quyền lực Nhà nước thật chặt thì sẽ gây khó cho thị trường, mọi thứ sẽ dừng lại bởi nếu làm mà quy định không rõ sẽ dẫn tới việc không ai dám phê duyệt”, vị này nhấn mạnh.
Chưa kể, thực lực doanh nghiệp bây giờ cũng tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Thời điểm đó, doanh nghiệp rất rệu rạo. Bây giờ, lợi nhuận trước thuế của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán 9 tháng đầu năm qua vẫn tăng ở mức 14-15%, tùy lĩnh vực. Một số ngành nghề khó khăn lợi nhuận cũng tăng bình quân 4-5%.
Hiện nay, mức chiết khấu giá BĐS dao động 30-35%, nhưng chỉ ở một số dự án, chủ đầu tư và doanh nghiệp, không phải đại trà trên thị trường. Còn giai đoạn 2011-2013, gần như các doanh nghiệp BĐS giảm giá, xả hàng đại trà. Theo ông Lực, đa số người mua hiện nay tiền vẫn có, nhưng mang tâm lý chờ đợi bắt đáy, hoặc không biết đầu tư có đúng thời điểm hay không.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường hiện nay vững chãi hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Bản chất của tình hình không phải khủng hoảng bất động sản. Chẳng qua thị trường đang điều chỉnh để lành mạnh và bền vững hơn.
Tổng Hợp
(Reatimes, Nhịp Sống Thị Trường)