Với hàng loạt khó khăn đang bao trùm nền kinh tế, Chính phủ đang triển khai nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm khơi thông dòng chảy thị trường hàng hoá. Theo đó, chính sách về dòng vốn đang được ráo riết tháo gỡ.
Tại Hội nghị tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chiều ngày 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở.
Trong suốt nhiều tháng qua, lãi suất chính là rào cản lớn ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Dù rằng, các chủ đầu tư đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho khách hàng rất hấp dẫn nhưng người mua nhà vẫn giữ tâm lý lo ngại việc biến động về lãi suất sau khi các chương trình chủ đầu tư ưu đãi kết thúc.
Cụ thể, bên cạnh NHNN có kế hoạch kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay thì Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016 của NHNN có nhiều quy định tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.
Tại khoản 2 điều 1 Thông tư 06/2023, tổ chức tín dụng có thể cho vay để trả nợ trước hạn đối với các khoản vay cũ, nếu người vay đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và ngân hàng thẩm định được. Đặc biệt là khách hàng có thể đi vay ở ngân hàng khác để trả nợ trước hạn cho khoản vay hiện tại. Sự điều chỉnh này của NHNN hướng tới việc tạo điều kiện cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng vốn vay linh hoạt hơn; phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh; bảo đảm tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn trong việc lựa chọn sản phẩm tín dụng phù hợp; cũng như lựa chọn ngân hàng cung ứng dịch vụ.
Các chuyên gia phân tích rằng, Thông tư 06/2023 sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc giảm lãi suất cho vay, tăng ưu đãi để giữ chân khách hàng của các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng sẽ không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tín dụng, từ tiện ích, quy trình thủ tục đến thời gian giao dịch, kể cả các yếu tố lãi suất, phí… cho phù hợp để thu hút, mở rộng và tăng trưởng kinh doanh.
Trước nhiều động thái khơi thông lại thanh khoản thị trường, các chuyên gia cũng lạc quan đưa ra nhiều dự báo theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, thị trường sẽ chỉ chuyển biến tích cực hơn khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.
Ông Peter VerhoevenChủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền. VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trên thế giới.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN là một phần trong những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ những trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Thị trường tài chính, thương mại thế giới hiện tại đã thay đổi rất khác so với 15 năm trước đây (giai đoạn năm 2008). Theo đó, mức ảnh hưởng đến Việt Nam cũng sẽ rất khác. Vì vậy, Việt Nam có nhiều hơn một yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển trong tương lai.
Do vậy, bên cạnh chính sách tiền tệ, một loạt những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ gần đây như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết số 33/NQ-CP và gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng (với lãi suất cho vay thấp hơn, 1,5% – 2%) đã mang đến hy vọng về sự “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, góp phần giảm nợ xấu tại ngân hàng.
“Chính sách tiền tệ rất phức tạp, phải mất ít nhất 6 tháng mới biết được chính sách có hiệu quả hay không. Nhưng tôi đánh giá cao các giải pháp và chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam hiện nay, giúp hệ thống ngân hàng tránh được cơn bão suy thoái, khủng hoảng đang lây lan”, chuyên gia Verhoeven cho biết.
Ngoài ra, chuyên gia tài chính – ngân hàng này cũng cho rằng, để tăng sức đề kháng trước khủng hoảng, NHNN cần phải tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, chú trọng chất lượng hoạt động, tính thanh khoản của các ngân hàng. Danh mục khoản vay của ngân hàng phải đảm bảo chất lượng về tiêu chuẩn bảo lãnh, quá trình phê duyệt, cơ cấu danh mục và giám sát danh mục đầu tư.
Tổng Hợp
(Tạp Chí Tài Chính, Tổ Quốc)