Nửa đầu năm, nền kinh tế ‘chao đảo’ với khủng hoảng mang tên Covid-19. Doanh nghiệp khó khăn, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền bị chững lại… Lúc này, chính sách tiền tệ đã trở thành cứu cánh, là công cụ đắc lực giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Nâng đỡ từ lãi suất
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, nhiều cơ quan, tổ chức đã đánh giá, dịch bệnh có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài. Do đó, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã được ban hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho người dân và DN, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu…
Gần như ngay lập tức, nhiều ngân hàng thương mại đã hưởng ứng, ra thông báo hỗ trợ giảm lãi suất từ 1-3% đối với các DN trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng.
Không những thế, trong chưa đầy 2 tháng từ tháng 3 đến tháng 5, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay trên thị trường đã có xu hướng giảm so với đầu năm.
Các chuyên gia nhận định, bối cảnh kinh tế vĩ mô hoàn toàn thuận lợi khi lạm phát đang duy trì ở mức thấp và tỷ giá vẫn đang ổn định trong thời gian gần đây giúp hạn chế rủi ro của việc cắt giảm lãi suất. Không những thế, điều này là hoàn toàn cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch. Bởi rõ ràng, giảm lãi suất có tác dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, doanh nghiệp sẽ có thêm khả năng trả nợ, tránh nguy cơ trở thành nợ xấu.
Tuy lãi suất hạ giúp doanh nghiệp bớt “khổ” hơn về chi phí lãi vay đè nặng lên chi phí tài chính, nhưng vẫn cần nhiều thời gian hơn để mặt bằng lãi suất thấp thực sự giúp dòng vốn hấp thụ vào thực tế. Do đó, theo NHNN, trong 5 tháng đầu năm, do cầu tín dụng tăng thấp, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. So với cùng kỳ 2 năm trước, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2019, tín dụng tăng 5,74%, năm 2018 cũng là 6,16%…, hơn nữa, mức tăng này còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, các mức lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp rồi, trong khi nhu cầu vốn của ngân hàng chưa đủ mạnh. Do đó, để đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành lần này, cần phải chờ thêm một thời gian nữa để xem độ “ngấm” của dòng vốn.
Vững vàng như tiền tệ
Đánh giá về công tác điều hành chính sách tiền tệ trong 5 tháng đầu năm, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD với VND hiện đã biến động trong biên độ khoảng 1,3-1,5%. Mức biến động này tuy có cao hơn một chút so với cùng thời điểm năm trước, nhưng dưới tác động của dịch Covid-19, đồng tiền Việt Nam so với đồng tiền của nhiều nước đã có sự vững vàng hơn bao giờ hết. Minh chứng là tính đến khoảng cuối tháng 4, theo tính toán của NHNN, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã giảm 1,73%, đồng Euro giảm 4,19%, đồng Won của Hàn Quốc giảm 6,9%, đồng Baht của Thái Lan giảm 9,23%, đồng Ringgit của Malaysia giảm 6,59%, Dollar Singapore giảm 5,88%, đồng Rupiah của Ấn Độ giảm 11,06%… so với hồi cuối năm 2019.
Tất nhiên, chúng ta không thể nhìn vào những thành tích nêu trên để hoàn toàn lạc quan vào việc điều hành chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm. Bởi những khó khăn vẫn còn rất nhiều, diễn biến của dịch Covid-19 tại nhiều nước còn phức tạp, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang như “quả bom nổ chậm”, chưa kể đến hàng loạt căng thẳng địa chính trị tại nhiều quốc gia. Nhưng chúng ta vẫn có thể an tâm bởi cơ quan điều hành sẽ đưa ra các biện pháp để ổn định thị trường, trong đó “phao cứu sinh” hữu hiệu nhất là lượng dự trữ ngoại hối cao xấp xỉ 80 tỷ USD của NHNN.
Tuy vậy, biến động mạnh nhất phải kể đến thị trường vàng. Nếu như vào đầu tháng 1/2020, giá vàng trong nước chỉ vào khoảng gần 43 triệu đồng/lượng, thì đến đầu tháng 6 đã tăng lên hơn 48 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng trong nước đã tăng mạnh theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ và các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế khiến đồng tiền có nguy cơ bị mất giá khi lượng tiền lớn được đưa ra thị trường và là cơ hội cho giá vàng tăng. Vì thế, giá vàng thế giới cũng đã tăng lên chạm mức 1.700 USD/ounce, so với mức hơn 1.500 USD/ounce hồi đầu năm. Điều đáng mừng là giá vàng trong nước tăng mạnh, nhưng các bước tăng lại trải dài qua hơn 5 tháng, qua đó giúp thị trường không có những biến động mạnh, tạo thành “cú sốc” làm xáo trộn tâm lý thị trường.
Những vấn đề trên cho thấy các tháng còn lại của năm rất cần chính sách tiền tệ tiếp tục chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, bởi ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối sẽ hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế. NHNN cũng khẳng định sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường.