Chiến thuật được nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản lựa chọn là trung gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản….
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông muộn hơn mọi năm. Lý do chính nằm ở việc chờ đợi những chuyển động chính sách để có thêm cơ sở dự báo, đưa ra kế hoạch cho năm nay.
Với các doanh nghiệp đã tổ chức đại hội, mục tiêu kinh doanh 2023 được chốt đa phần thấp hơn năm ngoái. Nhận định chung được lãnh đạo các doanh nghiệp đưa ra là, thị trường sẽ dễ thở hơn trong nửa cuối năm khi Chính phủ đang có nhiều chính sách tháo gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản, ngân hàng…, nhưng khó sôi động như cũ.
Dù áp dụng “chiêu” tặng tiền cho những cổ đông xác nhận tham dự, hoặc uỷ quyền cho trưởng ban kiểm soát, song Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM vẫn không triệu tập đủ tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 lần 1 (vào ngày 26/4).
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII chia sẻ, 20 năm nay, Công ty luôn theo đuổi chiến lược “đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt”, trong có cầu đường và nước. Trong quá trình làm đường, CII có thể sẽ làm thêm các dự án bất động sản, chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty đạt 28.000 tỷ đồng. Đến quý III/2023, Công ty sẽ hợp nhất dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng, tỷ trọng bất động sản thấp nên cổ đông có thể yên tâm.
Chiến lược của CII trong năm nay là “nằm im, bởi tiền ra không tắc chỗ này sẽ tắc chỗ khác”. Doanh nghiệp sẽ tập trung 3 vấn đề: Thứ nhất, giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án, Ban điều hành xác định khó khăn nhất trong bất động sản là pháp lý, chứ không phải dòng tiền; thứ hai, duy trì hiệu quả các dự án thu phí giao thông; thứ ba, tái cấu trúc nguồn vốn.
Ông Bình cho biết, các năm qua, CII tập trung vay nợ để đầu tư, dẫn đến có độ lệch lớn giữa nợ vay ngắn hạn và dòng tiền thu trong dài hạn. Doanh nghiệp có dòng tiền dài hạn từ các dự án thu phí khoảng 65.000 tỷ đồng, trong khi nợ 14.000 tỷ đồng. Nếu trả nợ theo tiến độ, CII sẽ cần chi khoảng 20.000 tỷ đồng thanh toán nợ gốc và lãi. Trong giai đoạn đầu, dòng tiền từ thu phí sẽ dành để trả nợ hết cho các ngân hàng, Công ty chỉ được hưởng sau hơn 10 năm nữa.
Trong khi đó, co lại hoạt động, cắt giảm chi phí đang là giải pháp được Công ty cổ phần Cenland áp dụng. Tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cenland cho biết, năm 2022 là một năm rất buồn của ngành bất động sản và không biết bao giờ thị trường mới gượng dậy được. Khi thị trường gặp khó khăn, Công ty linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu chi phí, trong đó có nhân sự, tính đến nay đã giảm khoảng 40 – 50% nhân sự.
“Trung bình mỗi tháng, tôi bỏ ra khoảng 2-3 căn chung cư để nuôi Công ty và tôi nghĩ là tôi còn khoảng vài trăm căn để có thể lo liệu cho Công ty vượt qua giai đoạn này”, ông Vũ bộc bạch.
Theo ông Vũ, thị trường bất động sản sẽ rất khó hồi phục ngay lập tức do giá bán trong thời gian vừa qua đã bị đẩy lên mức quá cao.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land (mã SCR) lên kế hoạch doanh thu 540 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 75% so với kết quả thực hiện năm trước.
Ông Võ Quốc Khánh, Tổng giám đốc TTC Land cho biết, sau một năm đầy biến động, năm 2023, Công ty đặt mục tiêu “trụ vững trên thị trường”. Với tình hình pháp lý hiện tại, kế hoạch lợi nhuận trên chỉ bao gồm mảng dịch vụ, chưa gồm phần lợi nhuận từ bất kỳ dự án nào. Chỉ cần một dự án được tháo gỡ pháp lý, Công ty có thể đạt mức lợi nhuận 100 – 200 tỷ đồng.
“Quý I, Công ty lãi khoảng 1 – 2 tỷ đồng, biên lợi nhuận của mảng dịch vụ không cao. Năm nay, TTC Land không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, mà tập trung vào công tác chuẩn bị, chấp nhận có những buồn bã, thất vọng để có những bước đi vững vàng”, ông Khánh cho biết.
Trên thị trường chứng khoán, ngoài Khang Điền, một doanh nghiệp bất động sản khác được giới đầu tư đánh giá có năng lực phát triển dự án, quỹ đất cũng như dòng tiền lành mạnh là Công ty cổ phần Nam Long (mã NLG). Tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Nam Long chia sẻ, quỹ đất sạch sẵn sàng phát triển dự án của Công ty là 685 ha, đủ để phát triển sản phẩm trong 5 năm tới. Diễn biến thị trường vừa qua là cơ hội để tìm kiếm quỹ đất mới và Công ty dành hạn mức khá lớn cho hoạt động này.
Năm nay, Nam Long đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 11%, tuy vậy, mục tiêu lợi nhuận ròng chỉ tăng 5% so với mức thực hiện trong năm 2022. Chiến lược của Công ty trong năm nay là ưu tiên phát triển dòng sản phẩm nhà ở “vừa túi tiền”. Khái niệm “vừa túi tiền” ở đây được hiểu là dự án có kế hoạch đóng tiền phù hợp với thu nhập mỗi phân khúc khách hàng. Chẳng hạn, Ehome có giá bán 1 – 2 tỷ đồng, Flora có giá 3 – 5 tỷ đồng, Valora có giá 12, 40 và 50 tỷ đồng.
Với phân khu số 4 của Izumi City, đánh giá tình hình thị trường và cấu trúc sản phẩm chưa phù hợp, Ban giám đốc Nam Long trao đổi với đối tác liên doanh nên tạm dừng việc mở bán này, để thiết kế những sản phẩm phù hợp vừa túi tiền cũng như lịch thanh toán của khách hàng.
Về nguồn vốn đầu tư, NLG sẽ huy động vốn ở cấp độ dự án. Ở dự án Izumi, Nam Long nắm khoảng 65%, có thể gọi vốn 10 – 15% (50 – 100 triệu USD) trong năm 2023 – 2024. Còn quỹ đất lớn là dự án 190 ha Long An, Công ty đang sở hữu 100%, đang ở các bước chuẩn bị. Nếu huy động được thêm 50% dự án thì giá trị có thể lên đến 100 – 150 triệu USD.
Năm nay, NLG ưu tiên hoàn thiện các dự án đang làm dở dang, nên nếu có huy động vốn thì đều phục vụ mục tiêu này.
Tổng Hợp
(ĐTCK)