Trong bối cảnh lãi suất tăng cao và dòng tiền khan hiếm, cộng với việc kinh tế vĩ mô có một số rủi ro tiềm ẩn, ít có khả năng dòng tiền sẽ lan tỏa đều trên thị trường, mà tập trung vào một số cổ phiếu tốt với khả năng tăng trưởng cao…
Sau khi thị trường giảm sâu trong năm 2022, mặt bằng giá cổ phiếu đã được chiết khấu nhiều so với mức định giá trung bình các năm trước và trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn. Nhưng với các cổ phiếu không có câu chuyện hỗ trợ thì vẫn khó thu hút được dòng tiền.
Về cơ hội, nhóm đầu tư công, ngân hàng có thể là chủ điểm đầu tư trong năm 2023. Tuy vậy, các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa nên nhà đầu tư cần tìm hiểu sâu hoạt động doanh nghiệp để có thể lựa chọn được cổ phiếu tốt nhất, an toàn nhất, với triển vọng tăng trưởng cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tháng 1 là tháng tăng điểm tốt nhất của thị trường trong nhiều năm qua, với xác suất lên đến hơn 63% và hiệu suất tăng trung bình là 4,1% trên chỉ số VN-Index. Trong khi đó, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ tăng thêm 0,25% lãi suất trong cuộc họp đầu tháng 2/2023, nên rủi ro ngắn hạn không cao.
“Tôi nghiêng về kịch bản tích cực trong giai đoạn trước Tết. Theo đó, các nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu, nhưng với tỷ trọng thấp và chú ý vào các nhóm ngành phòng thủ như điện, nước, khí đốt, dịch vụ dầu khí, tiêu dùng và nhóm ngành du lịch”, ông Minh nói.
Về chiến lược đầu tư, với kỳ vọng về dòng vốn từ các quỹ ETF sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường, nhà đầu tư có thể giải ngân “theo dấu dòng tiền”, tập trung mua tại nhịp điều chỉnh với các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 và VNDiamond.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh quý IV/2022 khả quan như hàng không, du lịch, thực phẩm, đồ uống, điện… có thể là lựa chọn phù hợp để giải ngân trong tháng 1/2023. Ngoài ra, các nhóm ngành có cơ hội hưởng lợi từ việc Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế như thuỷ sản, dệt may, khu công nghiệp và thép cũng đáng quan tâm.
Tuy sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng thị trường trong giai đoạn này vẫn giao dịch với quy mô thanh khoản ở mức khiêm tốn, nói cách khác là dòng tiền ở mức thấp trong bối cảnh xu hướng ngắn hạn chưa rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022 của các doanh nghiệp, cũng như định hướng chính sách tiền tệ năm 2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có động thái mua ròng, trong đó, các quỹ ETF chiếm hơn 70% giá trị mua ròng.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho biết, dòng tiền lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ và nhóm cổ phiếu chống chịu tốt với môi trường lạm phát, lãi suất cao. Thị trường vẫn có các cơ hội đầu tư, vấn đề là nhà đầu tư phải tự tin và sẵn sàng vào cuộc tìm kiếm.
Theo ông Khánh, dòng tiền sẽ có sự cơ cấu mạnh và hướng vào những nhóm ngành có triển vọng phục hồi trong dài hạn. Một số nhóm ngành trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu sáng, nhưng về dài hạn là điểm đến đầu tư tốt như ngân hàng, chứng khoán, thép, dệt may.
Hiện tại, dòng tiền chảy vào thị trường chủ yếu đến từ khối ngoại, trong khi nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước có tâm lý thận trọng khi giải ngân, một bộ phận có thể sẽ rút ròng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tức giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhằm hạn chế rủi ro trong kỳ nghỉ dài.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt cho biết không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023; thay vào đó là những đợt sóng nhỏ và nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt.
Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm. VDSC cụ thể hóa bằng cụm từ “bơi trong dòng nước ngược”.
Theo đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể theo dấu dòng tiền lớn từ việc quan sát xu thế của ETFs. Hiện tại, các rổ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead, VNFinseclect, VNMid đã giúp đa dạng danh mục sản phẩm của các quỹ đầu tư với sự ra đời của các quỹ ETFs. Từ cuối năm 2020, dòng vốn này bắt đầu hoạt động sôi động hơn và có thời điểm trở thành trụ đỡ của thị trường đặc biệt trong những giai đoạn suy giảm mạnh như cuối năm 2022 vừa qua.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, Nhịp Sống Thị Trường)