Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ( HNX ) vừa có báo cáo tổng quan nhìn lại 12 năm thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt (9/2009 – 9/2021). Chi phí vay vốn mà ngân sách phải trả đã giảm so với chu kỳ nhiều năm trước…
Kết quả của Chính phủ sau quá trình 12 năm nói trên, tập trung ở việc đảo ngược được tình thế lệ thuộc vốn vay nước ngoài trước đây và giảm thiểu chi phí phải trả cho ngân sách. Xu hướng đảo ngược này đã thể hiện rõ những năm gần đây; số liệu HNX vừa cập nhật nhấn mạnh thêm mức độ của xu hướng.
Trước đó, ngày 16/8 Chính phủ ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi Khoản 1 Điều 21 tỷ lệ cho vay lại đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi).
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỷ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi). Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương (trừ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
HNX cho biết, qua 12 năm, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công , giúp nợ công giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và chỉ còn 34,8% năm 2021. Điều đó có nghĩa tỷ trọng lớn và chủ yếu nhu cầu huy động vốn của Chính phủ đã được các nguồn lực trong nước có năng lực tốt hơn giai đoạn trước đây để đáp ứng.
Liên quan đến điểm này, giữa giai đoạn 12 năm nói trên, thị trường từng ghi nhận lần đầu tiên có định chế tài chính trong nước chủ động và đáp ứng được nguồn ngoại tệ 1 tỷ USD cho Chính phủ. Năng lực này được tiếp tục và khẳng định những năm sau đó, thay vì đi huy động ở thị trường quốc tế. Như trên, nợ công từng có tới 73,6% dựa vào vay nước ngoài thì nay đã giảm mạnh xuống chỉ còn 34,8%. Cấu phần lớn còn lại được nguồn lực trong nước đáp ứng. Đáng chú ý, ở kênh “tự chủ” này, một mặt lãi suất và chi phí phải trả đã giảm rất mạnh so với giai đoạn trước, mặt khác cơ cấu kỳ hạn đã kéo dài để tạo điều kiện cân đối và giãn các điểm đỉnh nợ.
Cụ thể, HNX cho biết, trong 12 năm nói trên, lãi suất bình quân huy động TPCP đã giảm từ khoảng 10% năm 2009 xuống khoảng 2% năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân kéo dài từ 2-3 năm năm 2009 lên tới 12,2 năm năm 2021, thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững và tái cơ cấu giảm các đỉnh nợ rơi vào một số năm trở nên đồng đều hơn.
Về kết quả chung khác, trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước năm 2020. Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu TPCP được tổ chức tại HNX với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.
Theo HNX, trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng dư nợ thị trường TPCP tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021.
Chính sách tài khóa trước khủng hoảng
Khoản ứng phó tài khóa của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng thực tế nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi lẽ phải kiềm chế bội chi ngân sách của chính phủ để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên, có khả năng gây ra lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán.
Mặc dù logic này có giá trị trong những giai đoạn bình thường, nhưng phải thừa nhận rằng giãn cách xã hội và phong tỏa là tình huống rất bất thường, đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt. Thực ra trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60-70% tổng tăng trưởng kinh tế, nhưng trong thời gian đóng cửa, tiêu dùng bị kìm hãm bởi các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ.
Tiêu dùng đóng góp tương đối ít vào tăng trưởng sản lượng trong năm 2020 do các hộ gia đình buộc phải kiềm chế chi tiêu trong thời kỳ đại dịch, và chúng ta có thể dự đoán được chi tiêu sẽ giảm mạnh trong năm 2021, vì các hộ gia đình phải đối mặt với các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Việc cắt giảm chi tiêu do lệnh phong tỏa giãn cách xã hội, dẫn đến tiết kiệm bắt buộc hoặc tiết kiệm ngoài kế hoạch, vì không thể tiêu dùng được theo kế hoạch. Do phần lớn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình thường được sản xuất trong nước, nên mất đi thu nhập đối với các công ty trong nước sản xuất, đơn vị vận chuyển và những người bán những hàng hóa và dịch vụ đó.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng thuế trên thu nhập mình kiếm được, nên việc giảm chi tiêu cũng làm giảm thu ngân sách. Do tiết kiệm bắt buộc, Chính phủ có thể tăng đáng kể quy mô của chương trình hỗ trợ tiền mặt mà không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)