Doanh nghiệp bất động sản xoay xở gỡ áp lực cuối năm…
Liên tục trong nhiều tháng qua, cứ mỗi cuối tuần, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, chủ đầu tư một dự án tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, lại miệt mài tìm kiếm khách hàng đưa lên tham quan, giới thiệu dự án. Mỗi chuyến đi, công ty thuê một chiếc xe ô tô 45 chỗ và lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho vài chục khách hàng với hy vọng họ sẽ “xuống tiền”.
“Mỗi đợt đưa khách hàng đi như vậy doanh nghiệp tốn cả trăm triệu đồng, nhưng hầu hết các chuyến đi vừa qua đều trở thành ‘tour du lịch 0 đồng’ vì khách hàng đều chưa quyết định mua”, ông T – tổng giám đốc doanh nghiệp kể trên than thở và chia sẻ thêm, biết là thị trường khó, nhưng trước áp lực phải có dòng tiền để duy trì hoạt động, trả nợ… thì không còn cách nào khác ngoài việc trông chờ vào kết quả bán hàng, nhưng càng nỗ lực càng thêm nợ vì khách hàng dường như “quay lưng” với thị trường lúc này.
Theo chia sẻ của ông T, vào giữa năm 2022, doanh nghiệp ông đã mua lại một dự án tại Bảo Lộc giá trị hơn 120 tỷ đồng làm khu du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường, bán được một phần giỏ hàng và thanh toán cho chủ đất khoảng 90 tỷ đồng, số tiền còn lại cam kết sẽ trả vào cuối năm 2022, nhưng do thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, hàng không bán được nên không có nguồn thu, đành phải liên tục khất nợ từ đó tới nay với cam kết trả lãi ngoài lên tới hơn 20%/tháng.
“Thế nhưng, với tình hình hiện nay, chưa biết làm thế nào để có thể trả nốt khoản nợ vào cuối năm nay, trong khi hàng tháng vẫn phải lo các khoản chi phí để duy trì dự án, hoạt động doanh nghiệp”, vị tổng giám đốc này rầu rĩ nói.
Một doanh nghiệp bất động sản khác tại TP.HCM đang đầu tư một dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông K – tổng giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ, cuối năm 2021, doanh nghiệp ông ký kết hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp tại Vũng Tàu để thực hiện một dự án đất nền theo hình thức mua sỉ – bán lẻ. Doanh nghiệp đã ký quỹ hàng chục tỷ đồng, sau đó đầu tư hạ tầng dự án để đưa ra thị trường. Giai đoạn đầu diễn ra khá suôn sẻ, gần 50% sản phẩm của dự án đã được bán thành công cho khách hàng, nhưng rồi khó khăn ập đến khi thủ tục pháp lý dự án vướng mắc kéo dài, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, thị trường mất thanh khoản… Không những không bán được hàng mới, thậm chí khách hàng đã mua sản phẩm trước đó quay sang đòi lại tiền vì chủ đầu tư vi phạm cam kết.
“Chúng tôi đang thực sự bế tắc, chưa biết phải xoay xở cách nào. Khi bỏ ra khoản tiền lớn để ký quỹ đầu tư, ngoài số vốn tự có, chúng tôi cũng phải huy động thêm từ các cổ đông khác. Hiện áp lực trả nợ ngày càng lớn, nhưng doanh nghiệp không có cách nào để có tiền trả, tất cả đang chờ đợi vào khoản vay từ ngân hàng, nhưng thủ tục vay rất chặt chẽ”, ông K lo lắng nói, đồng thời chia sẻ thêm, nếu từ nay đến cuối năm mà không xoay xở được dòng tiền thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Không chỉ những trường hợp kể trên, khó khăn vẫn đang bủa vây hầu hết các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, từ doanh nghiệp môi giới đến chủ đầu tư dự án. Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, thời gian qua, trước những tín hiệu tích cực như vướng mắc thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ, ngân hàng mở rộng hầu bao hơn…, tập đoàn này đã tái khởi động việc mở bán các dự án nhưng kết quả không nhiều khả quan do người mua chưa quyết định xuống tiền, dù có quan tâm.
“Do vậy, từ nay tới cuối năm, chúng tôi gác lại toàn bộ kế hoạch bán hàng, mục tiêu trọng tâm trong thời gian này là tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, tiết giảm chi phí tối đa và đàm phán gia hạn các khoản vay đến hạn. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản đàm phán thành công các khoản nợ trái phiếu đến hạn sang năm 2024 với hy vọng tình hình thị trường sẽ sáng sủa hơn, đưa sản phẩm ra thị trường để có nguồn thu”, vị đại diện trên nói.
Sắp bước vào quý cuối cùng của năm, thời điểm mọi lo toan dồn nén, từ nỗi lo tìm dòng tiền xoay xở kinh doanh, trả các khoản nợ đến hạn, đến sức ép hoàn thành kế hoạch kinh doanh…, trong khi thanh khoản vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Tổng Hợp
(ĐTCK)