Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng đề xuất của các doanh nghiệp sau loạt cuộc đối thoại, cuối tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định xây dựng và công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 01 (quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19).
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN dự kiến cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020. Trước đó, Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/01/2020.
Đồng thời, dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.
Đến khi làn sóng Covid-19 thứ hai xảy ra, yêu cầu sửa đổi Thông tư 01 càng trở nên cấp thiết khi theo phản ánh của nhiều TCTD và doanh nghiệp, phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020, đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn, khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.
Theo đó, các khoản nợ trên được phân loại theo quy định dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD có thể tăng cao, đột biến trong một vài năm tới, chi phí dự phòng tăng, ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD; doanh nghiệp cũng vì thế gặp trở ngại trong khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới để tìm, thúc đẩy hướng phục hồi…
Đại diện NHNN tại các cuộc họp cũng liên tục nhấn mạnh sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dù vậy, đã bốn tháng trôi qua kể từ khi công bố dự thảo, NHNN vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi.
Và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở về tiến độ của chính sách này.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 diễn ra sáng nay (30/9), ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, cho biết NHNN được giao và đang phối hợp với các bộ ngành, Bộ Tài chính để hoàn thiện các hàng lang pháp lý.
Cụ thể, ngày 3/9, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với Bộ Tài Chính để thống nhất định hướng sửa Thông tư 01.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN
“Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nên khi thực hiện giãn, miễn, giảm lãi phí… cho doanh nghiệp họ cũng phải tính đến áp lực tài chính làm sao để đảm bảo hoạt động. NHNN đang nghiên cứu để sửa Thông tư 01 căn cơ để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng, cùng với các đơn vị sẽ sửa bài bản nhất để sớm thông tin đến các bên có liên quan”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Liên quan tới nội dung của Thông tư 01, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, cần đưa ra một mốc thời gian phù hợp, bởi nếu kéo dài lâu quá sẽ thiếu tính thực chất, bền vững, nhưng ngắn quá có thể là cú sốc.
“NHNN cần tính toán thời điểm phù hợp nên ở mức nào. Ví dụ, đề xuất thời gian giãn, hoãn là hết 2021, tại thời điểm có thể dịch bệnh được kiêm soát tốt hơn, tiềm lực của ngân hàng và doanh nghiệp cũng được nâng cao”, chuyên gia này đưa ý kiến.
Theo TS. Cấn Văn Lực, dịch Covid-19 có 5 tác động chính đến ngành ngân hàng. Thứ nhất, dịch bệnh khiến sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao dẫn đến nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm. Điều này khiến tín dụng tăng trưởng chậm.
Ông Lực nhận định cả năm nay tín dụng sẽ tăng 8-9% và năm 2021, con số này có thể là 9-10%.
Tác động thứ hai được đề cập là chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi, nợ xấu sẽ tăng.
Viện nghiên cứu BIDV ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn.
Những yếu tố trên sẽ dẫn tới tác động thứ ba, là khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm. Bởi, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Bên cạnh đó, các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Chuyên gia ước tính, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20-25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến ngân hàng và khách hàng thay đổi chiến lược và hành vi tiêu dùng.
Ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, riêng thanh toán di động tăng tới 180% trong 6 tháng đầu năm.
Mặt khác, hành vi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi cũng khiến các ngân hàng phải thiết kế lại sản phẩm dịch vụ để phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước chiều 30-9 vừa công bố tiếp tục giảm một loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày mai 1-10, trong đó giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Việc một loạt lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm nhằm giảm chi phí vốn đầu vào cho hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi.
Theo Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30-9-2020 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới