Năm 2020, thị trường bất động sản suy giảm gây ảnh hưởng tới 50 ngành kinh tế liên quan tới bất động sản.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, năm 2020, thị trường bất động sản suy giảm nhiều, không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản mà còn ảnh hưởng tới 50 ngành kinh tế liên quan tới bất động sản.
Tuy nhiên, sự suy giảm đợt này rất khác với năm 2012 – 2013 là giá cả không giảm. Trong khi trước đây giá bất động sản thường giảm 30 – 40%.
“Theo tôi đây là khoảng lặng cần thiết để tái cấu trúc lại thị trường, để lĩnh vực bất động sản có chất lượng cao hơn, doanh nghiệp bất động sản phát triển chuyên nghiệp và chất lượng hơn”, ông Mại nhận định.
Chất lượng nguồn vốn FDI sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường bất động sản trong thời gian tới
Bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là có tiềm năng lớn trong thời gian tới vì đầu tư nước ngoài gia tăng với xu hướng mới là mua bán, sáp nhập, liên doanh với nhà đầu tư trong nước để nâng cấp. Nhiều tập đoàn kinh tế của Việt Nam như Vingroup, Becamex… đã tham gia xây dựng khu công nghiệp.
Với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn, bất động sản khu công nghiệp thời gian tới hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn. Sau một thời gian thực hiện Nghị định số 82/2018 của Chính phủ, Câu lạc bộ Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) đã kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính “một cửa, một cửa tại chỗ” hỗ trợ nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; cần có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể, rõ ràng, ủy quyền nhiệm vụ của các sở, ngành tại địa phương.
Việc phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý cần thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Khi chức năng quản lý nhà nước KCN, KKT thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý thì lúc đó quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các sở, ngành tại địa phương mới thực sự hiệu quả, tạo sự thông thoáng trong cơ chế chính sách, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hứa hẹn cải thiện môi trường rõ cho bất động sản khu công nghiệp. Khu đô thị là một xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm vì hạ tầng giao thông thuận lợi, đô thị ven biển nhu cầu lớn trong điều kiện các thể chế khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ. Hai giải pháp cần thiết để phát triển bất động sản khu đô thị là doanh nghiệp và nhà nước phải đồng hành với nhau.
Doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản, cấu trúc lại quản lý theo hướng hiện đại. Về phía Chính phủ ngoài các hỗ trợ hiện nay cần có tổng kết, ít nhất 10 năm gần đây trong phát triển khu đô thị để sửa một loạt các luật liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai khi đang có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo.
“Cùng với đó, Chính phủ cần có hướng dẫn thực thi Luật trong các Nghị định theo hướng minh bạch, rõ ràng để các ban quản lý KCN, khu kinh tế địa phương, thực hiện đúng pháp luật của nhà nước. Tin tưởng rằng, làm được như vậy tương lai KCN, khu đô thị sẽ phát triển trong một giai đoạn mới bền vững, lành mạnh hơn”, Chủ tịch VAFIE chia sẻ.
Hạ tầng giao thông hiện nay của TP.HCM vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải.
Nói về đầu tư hạ tầng giao thông, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư – Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hai loại hình gồm hệ thống đường bộ và đường sắt đô thị đều có sự gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đối với quá trình phát triển đô thị cũng như kết nối trực TP.HCM với các tỉnh thành khác.
“So sánh với quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có thể nói tiến độ đầu tư các dự án đều chậm, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt”, bà Hạnh nói.
Cụ thể, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ và cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng, các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao.
Hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn.
“Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân của vùng, theo tôi, cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị”, bà Lã Hồng Hạnh đề xuất.
Theo Quế Sơn/Dantri.com.vn