Đến cuối tháng 7/2023, vốn điều lệ của Big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180.500 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 7,4 triệu tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 6,15 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 5,55 triệu tỷ đồng.
Hiện nhóm ngân hàng nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.
Tuy vậy, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính của nhóm ngân hàng này vẫn diễn ra chậm. Agribank được tăng vốn nhỏ giọt và quá trình cổ phần hóa còn gặp nhiều vướng mắc. Trong báo cáo thẩm tra việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị NHNN khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cổ phần hóa Agribank.
NHNN cho hay, đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. NHNN cũng có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 – 2016 và năm 2021.
Với Vietcombank, NHNN đang dự thảo văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội với Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế hết năm 2018.
Trước đó, lãnh đạo của cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều nhiều lần kiến nghị Chính phủ được nhanh chóng tăng vốn bằng nguồn lực lợi nhuận giữ lại. Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua đã làm nổi bật vai trò hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng vốn quá chậm làm khả năng hỗ trợ kinh tế của các tổ chức này suy giảm.
Ngoài vấn đề giải quyết ngân hàng yếu và tăng vốn cho nhóm Big 4, xử lý nợ xấu cũng là bài toán nan giải của tái cơ cấu ngân hàng. Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo lắng khi nợ xấu nội bảng đã lên mức 3,56% tính tới cuối tháng 7/2023, cao hơn mục tiêu nợ xấu dưới 3% mà NHNN đặt ra.
Thực tế, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023. Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 đã lên tới 5,22%.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn hiện nay là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém và tập trung giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, muốn xử lý nợ xấu, phải mở cơ chế để thu hút nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài và kích hoạt thị trường mua bán nợ phát triển.
Tổng Hợp
(ĐTCK)