Chiều nay 16/11, nói về tiến độ cấp phép Mobile Money, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Hôm nay chúng tôi mới nhận được ý kiến của các bộ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp, tiếp thu và chắc tuần tới ký”.
Mobile Money (tiền di động) là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt, có thể sử dụng để thanh toán ở bất kỳ đâu thông qua điện thoại của người dùng, miễn là nơi đó có sóng di động.
Tại Việt Nam, sau Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 đăng ký từ 3 đơn vị xin được triển khai hoạt động Mobile Money là Viettel, VNPT và MobiFone. Các hồ sơ phải mất thời gian để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Sau khi nhận được 3 đơn vị đăng ký gửi hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển lấy ý kiến của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công an.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong cuộc họp gần đây nhất về Mobile Money, 3 bộ đã thống nhất trong tháng 10 sẽ thống nhất hồ sơ của 3 đơn vị. Khi đủ điều kiện và có sự thống nhất chung, Mobile Money sẽ được quyết định cấp phép thực hiện. Thông tin thêm về việc triển khai thí điểm, ông Tú cho biết, dự kiến, thí điểm sẽ được triển khai trên toàn quốc. Thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành, các bộ sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và triển khai chính thức.
Theo đại diện NHNN, Mobile Money là dịch vụ mới, triển khai trên nền tảng công nghệ, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, sẽ có số lượng người dùng lớn, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng nên cần có thời gian cho các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng hồ sơ. Thực tế, các doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian gần 2 tháng.
Đề cập tới ý kiến cho rằng NHNN không hào hứng với Mobile Money vì nó ảnh hưởng tới thị phần của ngành ngân hàng, ông Dũng trích dẫn báo cáo chiến lược của hãng tư vấn hàng đầu thế giới về hội nhập (McKinsey). Theo báo cáo này, mức thâm nhập dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% trong năm 2021, tăng 40 điểm phần trăm so với năm 2017. Mức thâm nhập này thậm chí còn cao hơn so với mức bình quân 54% của các thị trường châu Á – Thái Bình Dương mới nổi và 43% của các thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
Mobile Money đang trong những bước đi cuối cùng để được cấp phép thí điểm, được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động thanh toán. Thống kê cho thấy có khoảng 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng, khi Mobile Money được triển khai rộng rãi thì người dân ở vùng sâu, vùng xa dù không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)