Theo kết quả vừa được công bố, trong năm 2022, không chỉ có Vietcombank (VCB), mà có nhiều ngân hàng đạt mức lợi nhuận tỷ đô và trên 10.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Vietcombank là quán quân về lợi nhuận khi đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 37.358 tỷ đồng. Tốc độ huy động vốn tăng 9,1% so với năm 2021, đạt gần 1,26 triệu tỷ đồng; còn tăng trưởng tín dụng 19%, đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, BIDV cũng ghi nhận hoạt động hiệu quả trong năm 2022 với lãi trước thuế 23.057 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 70,2% so với năm trước; lãi sau thuế đạt hơn 18.453 tỷ đồng…
Thấp hơn một chút, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 21.113 tỷ đồng trong năm qua, cao hơn 20% so với năm 2021. Còn với Agribank, tuy chưa công bố, song nhiều khả năng sẽ có lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Với khối ngân hàng cổ phần, Techcombank đứng đầu về con số lãi, với 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021 và vượt qua kỷ lục lợi nhuận đạt được năm 2021.
Một ngân hàng khác cũng có mức lợi nhuận đạt tỷ USD là VPBank. Dù lợi nhuận quý IV/2022 giảm 47% so với cùng kỳ, song nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, VPBank vẫn lọt vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất hệ thống. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VPBank riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất tăng 48% so với năm trước.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB năm 2022 cũng đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng là 20.318 tỷ đồng, tăng 41,1% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế các công ty thành viên đạt 2.411 tỷ đồng, đóng góp 12% lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản MB Group ghi nhận hơn 728.500 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước. Quy mô tín dụng của ngân hàng tăng trưởng cao ở mức 25% so với năm 2021.
Bên cạnh các ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ đô trên, nhiều nhà băng khác cũng có mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng như ACB, VIB và HDBank. Theo đó, ACB kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5% và tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ 0,74%. Đặc biệt, ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của HDBank đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Tương tự, VIB công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu suất Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục đạt trên 30%.
Dù khiêm tốn hơn, nhưng các nhà băng các cũng báo lãi nghìn tỷ với mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2022 như Sacombank (6.339 tỷ đồng, tăng 44%), SHB (9.659 tỷ đồng, tăng 54%), TPBank (7.828 tỷ đồng, tăng 30%)…
Mặc dù tăng trưởng tín dụng của các nhà băng có ảnh hưởng trong nửa cuối năm, nhất là ở quý IV/2022, do cạn room cho vay, song trước đó tăng trưởng dư nợ của ngành đã lên mức cao nửa đầu năm, từ đó tác động tích cực lên nguồn thu nhập từ lãi và dịch vụ của ngân hàng. Thực tế cũng cho thấy, với hoạt động của ngân hàng Việt Nam, nguồn thu nhập chính vẫn từ tín dụng và dịch vụ, bảo hiểm. Còn với mảng kinh doanh chứng khoán và ngoại hối trong năm qua của nhiều ngân hàng tăng trưởng âm.
Các nhận định đưa ra, ngân hàng vẫn sống khỏe trong năm qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt 14,5%, cao hơn mức đạt được của năm 2021 là 13,61%.
Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục duy trì ở mức cao do sự gia tăng đáng kể của tiền gửi Kho bạc nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), qua đó hỗ trợ đà tăng của thu nhập lãi thuần. Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu trong năm 2022 như VPBank, ACB, VietinBank và Sacombank.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)