Năm 2023, mặc dù kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá còn cơ hội phát triển. Câu chuyện thu hút dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam…
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, hiện tại, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn tích sản hấp dẫn khi lần thứ 5 trong lịch sử định giá P/E về dưới mức 11 lần.
“Giai đoạn điều chỉnh mạnh của thị trường vừa qua chính là dấu chấm hết cho một chu kỳ tiền rẻ trước đó, để mở ra giai đoạn mới với động lực tăng bền vững hơn từ tăng trưởng nội tại của từng doanh nghiệp. Vì vậy, đây được xem là cơ hội thích hợp cho những nhà đầu tư dài hạn”, TPS đánh giá.
Theo quan điểm của TPS , triển vọng thị trường đã tích cực hơn khi VN -Index thành công tạo đáy tại mức sâu 873 điểm. Tuy nhiên sau giai đoạn bứt phá mạnh khoảng 25% từ đáy, đà tăng của thị trường đã chững lại và chỉ số đang bước vào trạng thái vận động không xu hướng trong vùng 1.000 – 1.080 điểm.
Do đó, dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, Chứng khoán Tiên Phong đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong năm 2023.
Trong kịch bản cơ sở, sau giai đoạn tích lũy và vượt kênh giá giảm, TPS cho rằng đây là tín hiệu xác nhận cho việc thị trường đã tạo đáy, đồng thời kết thúc sóng điều chỉnh để chuyển sang Uptrend. Trong kịch bản này, mức giá mục tiêu mà chỉ số có thể hướng đến là vùng 1.000 – 1.200 điểm.
Trong kịch bản tích cực, mục tiêu giá của thị trường sẽ gia tăng và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.320 điểm (tương đương vùng đỉnh tháng 6 và tháng 8/2022).
Ở kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11/2022 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình 2 đáy trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm.
Ngoài ra, theo TPS, câu chuyện thu hút dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam. Bên cạnh đó, làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.
Sang năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số VN-Index đã đóng cửa trên 1.500 điểm vào ngày 6/1. Giá trị khớp lệnh thường xuyên vượt tỷ USD, đỉnh điểm vào ngày 10/1 thanh khoản toàn thị trường đã vượt hơn 2 tỷ USD – con số kỷ lục mà TTCK Việt Nam chưa từng chạm đến trong quá khứ. Thời điểm VN-Index trên đỉnh lịch sử, vốn hoá HoSE cũng thiết lập kỷ lục mới, hơn 6 triệu tỷ đồng vào những ngày đầu tháng 4. Danh sách doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa theo đó cũng tăng vọt lên 61 cái tên với nhiều gương mặt mới lần đầu tiên xuất hiện.
Tuy nhiên, sau giai đoạn thăng hoa, thị trường lại liên tục gặp nhiều lực cản trước xung đột Nga – Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các vụ thao túng giá của Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings bị phanh phui.
Và đặc biệt, sau sự kiện cơ quan chức năng khởi tố vụ án liên quan 10.000 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4/2022, rồi vụ án trái phiếu Vạn Thịnh Phát vào tháng 10/2022, vấn đề của thị trường càng được nhận thức rõ ràng hơn. Hàng loạt nhà phát hành đồng loạt trả nợ trái phiếu trước hạn, cộng với việc phát hành mới gần như đóng băng đã khiến dòng tiền của doanh nghiệp dần cạn kiệt. Chưa kể, VNDirect ước tính có khoảng 46.145 tỷ đồng TPDN BĐS sẽ đáo hạn trong nửa đầu 2023 và 64.185 tỷ đồng đáo hạn trong nửa cuối 2023, gây ra áp lực thanh khoản trả nợ vay cho các chủ đầu tư.
Trước những sự kiện gây tổn thương đột ngột, dòng tiền đầu cơ trở nên bi quan và rút khỏi thị trường, dẫn đến thanh khoản trên TTCK mất hút, giảm sâu. Từ mức giao dịch bình quân 31.160 tỷ đồng/phiên trong quý I, thanh khoản thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh từ tháng 4 và xuống mức thấp nhất trong tháng 11 với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.017 tỷ đồng/phiên, giảm 58,2% so với quý I. Tính chung từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.368 tỷ đồng/phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm trước.
Cùng với sự thu hẹp của thanh khoản, số lượng tài khoản mới cũng ghi nhận sự giảm sút trong những tháng gần đây. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân chỉ mở mới 88.334 tài khoản, chạm đáy 21 tháng. Dù vậy, với làn sóng nhà đầu tư mới tham gia “ồ ạt” vào giai đoạn đầu năm thì lượng tài khoản mở mới tính chung từ đầu năm 2022 vẫn lập kỷ lục. Sau 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm trước, đây cũng là con số lớn nhất trong lịch sử 22 năm thành lập thị trường, vượt xa so với tổng 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tương đương hơn 6,7% dân số.
Thanh khoản co lại, cùng tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư cá nhân được đẩy lên mức cao đã khiến VN-Index liên tục lao dốc và chạm mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm trong phiên 16/11. Vào thời điểm xuống đáy, VN-Index còn đứng đầu tất cả các bảng xếp hạng giảm mạnh nhất thế giới trong toàn bộ các khung thời gian phổ biến như ngày, tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, từ đầu năm và một năm. Nhìn chung, 2022 là năm VN-Index có nhiều phiên tăng/giảm từ 2% trở lên nhất kể từ năm 2009 và cũng là năm đem lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư.
Nhịp giảm sâu của thị trường khiến hàng loạt nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng, không chỉ penny, mà nhà đầu tư cổ phiếu midcap, bluechip cũng “bốc hơi” 40-60% tài khoản từ đầu năm. Làn sóng “call margin” lan khắp toàn thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, từ đó tạo áp lực mạnh đè nặng chứng khoán Việt. Một số cổ phiếu thậm chí còn giảm sàn liên tiếp hàng chục phiên cùng chuỗi văn bản giải trình. Lượng chất bán giá sàn ngày càng lớn qua từng phiên cũng kéo theo nhiều kỷ lục về khớp lệnh trong quá khứ bị xô đổ khi cổ phiếu được “giải cứu”, điển hình như HPX với phiên 30/11 khi khớp lệnh hơn 165 triệu cổ phiếu, tương đương 54,1% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty hay FLC trong phiên 11/1/2022 với 154,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cần lưu ý rằng, việc thị trường bị giảm mạnh thời gian qua khiến nhà đầu tư trong nước hoảng loạn, nhưng ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng, về dài hạn điều này tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường nên họ bắt đầu giải ngân mạnh mẽ. Con số thực tế cũng chứng minh điều này khi tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng 24.813 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, đặc biệt từ đầu tháng 11. Riêng trong đợt giảm giá sâu của TTCK vào tháng 11, khối này đã mạnh tay gom hàng với giá trị đạt 16.900 tỷ đồng trên ba sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (22.800 tỷ đồng).
Ngoài ra, khi việc kiếm lời của dòng tiền đầu cơ trên thị trường cơ sở trở nên khó khăn, dòng tiền đã tìm đến thị trường phái sinh với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Theo thống kê của UBCKNN, đến nay, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.871 hợp đồng/phiên, tăng 44% so với bình quân năm trước. Trong đó, thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh trong các tháng 5, tháng 6 với khối lượng giao dịch bình quân đạt mức trên 300.000 hợp đồng/phiên; đặc biệt trong tháng 10, tháng 11 và tháng 12, khối lượng giao dịch tăng kỷ lục với khối lượng giao dịch bình quân đạt mức trên 400.000 hợp đồng/phiên.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư)