Câu chuyện loại Nga ra khỏi SWIFT vẫn đang gây tranh cãi do những hệ quả nghiêm trọng mà nó có thể tác động đến thị trường tài chính thế giới.
SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. SWIFT thành lập năm 1973 để thay thế điện tín và hiện được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Vì hiện không có kênh nào thay thế được chấp nhận trên toàn cầu, SWIFT có vai trò thiết yếu với tài chính thế giới.
Đây là một hệ thống nhắn tin an toàn giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới. Tiêu chuẩn hóa cao khiến SWIFT trở thành hệ thống giao dịch có độ tin cậy, cho phép các ngân hàng xử lý giao dịch khối lượng lớn trong thời gian ngắn.
SWIFT đã trở thành xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2020, có khoảng 38 triệu tin nhắn được truyền qua nền tảng SWIFT – theo thống kê của Annual Review. Mỗi năm, có hàng nghìn tỷ euro được chuyển qua hệ thống này.
Alexandra Vacroux, giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu tiếng Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard ở Massachusetts, cho biết SWIFT giống như một hệ thống nhắn tin xã hội, và nó giống như Twitter dành cho các ngân hàng.
Markos Zachariadis, giáo sư và chủ nhiệm về công nghệ tài chính và hệ thống thông tin tại Đại học Manchester cho biết: “Bạn có thể coi SWIFT là xương sống của lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây là cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng nhất mà chúng ta có trong các dịch vụ tài chính xét về khối lượng và giá trị tiền tệ”.
Việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với các thị trường tài chính trên thế giới.
Giáo sư Zachariadis nói rằng nó gần giống như cắt một quốc gia khỏi internet.
Maria Shagina, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt quốc tế có trụ sở tại Helsinki, đã nói rằng tác động của việc cấm Nga tham gia SWIFT có thể tàn khốc như đối với Iran, quốc gia đã bị từ chối truy cập vào hệ thống vào năm 2012.
Bà viết: “Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT do quốc gia này xuất khẩu hydrocacbon bằng đồng USD. Biện pháp này sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, gây ra biến động tiền tệ và bất ổn dòng vốn”.
Trong khi đó, ông Vacroux nói rằng do ngân sách liên bang của Nga phụ thuộc rất nhiều vào thuế thu được từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu và khí đốt. Chính vì vậy, việc loại khỏi SWIFT sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nhưng một số chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu việc trục xuất Nga khỏi SWIFT có tàn khốc như các biện pháp trừng phạt khác hay không.
Chris Miller, trợ lý giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết việc loại bỏ toàn bộ ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống tài chính của Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều tác động hơn.
“Đó là một nền tảng truyền thông, không phải là một hệ thống thanh toán tài chính. Nga có thể sử dụng các công cụ trước SWIFT như điện thoại, telex hoặc email để tham gia vào các giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng”, Adam Smith, một luật sư quốc tế về thương mại từng làm việc trong chính quyền Obama, nói với CBS News.
Các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.
Trong tuyên bố chung, Nhà Trắng nói rằng nhóm các cường quốc thế giới “quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa với hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế của chúng tôi”.
Nga chưa bình luận về thông tin trên. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.
Tổng Hợp