Câu chuyện kiểm soát tín dụng vào bất động sản bắt đầu từ việc “sốt đất” diễn ra khắp nơi tại Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội nhưng giá bất động sản liên tục tăng.
Phản hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ nói, cũng như chưa có văn bản nào đề cập đến việc siết, hay thắt tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý rủi ro của chính sách tổ chức tín dụng khi cho vay vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt, những bất động sản có nguy cơ rủi ro.
Ông Tú dẫn chứng số liệu, tính đến hết cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,288 triệu tỷ đồng (phân khúc kinh doanh, đầu tư khoảng 750.000 tỉ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở), tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Về phía HoREA, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không siết thì cần có thêm các chính sách cụ thể hóa chủ trương này, thể hiện qua cơ chế để các doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.
Cụ thể, các doanh nghiệp khỏe mạnh, những khách hàng tin cậy, có tín nhiệm và các dự án đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo tính khả thi phải được tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Người tiêu dùng cũng cần rộng cửa tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, xây nhà.
Ông Tú cho rằng, nhiều thông tin cho rằng bất động sản khó khăn do thiếu vốn, đình đốn, không có vốn làm ảnh hưởng nguồn cung, làm giá tăng… Hiện tượng thì có nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá một cách thấu đáo chuyện này. Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản làm ăn chụp giựt, dự án ma, thổi giá làm mất lòng tin của nhà đầu tư…
Nhấn mạnh việc cho vay theo kiểu tiệm cầm đồ của các ngân hàng thương mại, yêu cầu tài sản thế chấp trên dưới 70%, theo ông Lê Hoàng Châu, ngân hàng chưa đánh giá tính khả thi của dự án để cho vay. Nếu không thay đổi, cho vay trên cơ sở đánh giá tín nhiệm, đánh giá chất lượng thì rất khó để Việt Nam có thể xuất hiện những tập đoàn lớn mạnh như Huyndai, Samsung của Hàn Quốc.
Theo Bộ Xây dựng, những đợt sốt đất trong năm 2021 đã kéo giá căn hộ chung cư tăng bình quân 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, giá đất nền tăng 20-30% so với cuối năm 2020, bất chấp nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền vào thời điểm cuối quý 1 đầu quý 2/2021 tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven thủ đô Hà Nội, như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%). Một số điểm thuộc tỉnh Hoà Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%).
Ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hoá, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ (TP.HCM). TP. Biên Hoà và huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai)… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Giá bất động sản tiếp tục nóng lên trong quý 1/2022 khi giá căn hộ chung cư tăng 3% so với cuối năm 2021, tại Hà Nội tăng 4-5%, TP.HCM tăng 1-2%. Phân khúc căn hộ chung cư chủ yếu có giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên.
Đặc biệt, giá nhà ở riêng lẻ và đất nền tăng 5-10%, có những nơi tăng 15-20% chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, như; Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Đà Nẵng…
Khi thị trường bất động sản “nóng”, “sốt”, tăng giá ảo, lệch pha cung – cầu… được các cơ quan quản lý cảnh báo, thì dòng vốn tín dụng cho bất động sản lại hối hả được “nắn”, chỉnh.
Trong động thái liên quan đến các hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết đã có một số ngân hàng thương mại có động thái rất “căng”, như: thông báo tạm thời dừng ngay cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư bất động sản, làm cho doanh nghiệp không vay được các khoản vay mới, không cơ cấu lại được các khoản vay cũ. Ngay cả người có nhu cầu thực cũng khó tiếp cận được vốn vay tín dụng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà.
Tổng Hợp