Câu chuyện bỏ phố thị để tìm về với mảnh vườn, thửa ruộng gắn với thiên nhiên ngày càng trở thành xu hướng trên thị trường địa ốc, đặc biệt là từ khi đại dịch COVID-19 ập đến. Đất nông nghiệp ở Đà Nẵng bị “làm loạn”.
Một người có Facebook tên P.V đăng thông tin trên trang Hội mua bán đất Hòa Vang – Đà Nẵng về việc chuyên nhận làm sổ hồng, chuyển đổi mục đích… ở khu vực Đà Nẵng. Giá cả tùy theo khu vực, hợp lý, phải chăng. “Những khu vực mọi người không làm được hãy nhất máy lên gọi V; chữ tâm đi trước – uy tín làm đầu”, chủ tài khoản P.V rao.
Từ đó cho thấy, đất nông nghiệp, đất rừng đang được nhiều người săn lùng, rao bán ở các xã thuộc huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển đổi mục đích đất trong điều kiện pháp lý, thủ tục hành chính chưa đầy đủ hoặc không cho phép sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, đặc biệt là người dân “tiền mất, tật mang”. Trước tình trạng này, UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã yêu Phòng TN&MT huyện, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang và UBND 11 xã về chấn chỉnh chuyển nhượng, chuyển mục đích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã có công văn gửi Công an huyện Hòa Vang về việc hỗ trợ, xử lý hành vi liên quan đến môi giới, dịch vụ đất đai. Theo đó, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang đăng tải những thông tin thất thiệt, không chính xác liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai nhằm mục đích nhận làm dịch vụ, cò hồ sơ với giá tùy theo khu vực, tùy theo hồ sơ. Việc làm này đã gây thiệt hại về tài chính cho người sử dụng đất, tác động xấu đến tâm lý, cái nhìn của người dân đối với cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang báo cáo Công an huyện Hòa Vang để phối hợp, kiểm tra, răn đe, có hình thức xử lý các nhóm, đối tượng dịch vụ, cò đất nhưng không có giấy phép hành nghề môi giới bất động sản, đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn huyện.
UBND huyện Hòa Vang yêu cầu UBND 11 xã thuộc huyện không tự ý xác nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật, đặc biệt là chuyển nhượng đất nông nghiệp. Căn cứ các quy định của pháp luật để tuyên truyền cho người dân nắm rõ các quy định về việc chuyển mục đích đất nông nghiệp thuần túy sang đất ở đối với đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư của hộ gia đình theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Theo ghi nhận trên các trang mạng xã hội, hàng loạt thông tin rao bán các loại đất nông nghiệp đầy “hấp dẫn” như: “Chỉ 3xx có ngay lô đất màu đẹp, xanh mướt cách trung tâm hành chính và chợ Túy Loan chỉ 800m với diện tích 280m2”; “Đất hoa màu view (hướng nhìn) sông Cu Đê, diện tích 2.000m2, giá 1,5 tỷ đồng”; “1.700m2 mặt tiền đường tránh Nam Hải Vân, giá 1,3 tỷ đồng”; “đất màu giá rẻ chỉ 2xx triệu đồng; “bán 920m2 đất màu, Hòa Nhơn, đất bằng phẳng giá 7xx triệu đồng bao ra sổ hồng trồng cây hằng năm”; “600.000m2 đất lâm nghiệp ở Bà Nà, giá 60.000 đồng/m2″…
Cũng chính vì nhu cầu đó, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng nở rộ tình trạng rao bán các thửa đất nông nghiệp (thuần túy). Thậm chí, không chỉ dừng lại ở những mẩu tin rao bán đất rừng, đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số tài khoản còn đăng thông tin nhận làm dịch vụ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, làm sổ hồng… với mức giá khác nhau tùy khu vực, độ khó.
Tổng Hợp