Do nguồn cung BĐS hạn chế, nhiều người tìm các kênh khác như đất nền, nhà ở tại các địa phương lân cận và chờ cơ hội tăng giá bán.
Báo cáo thị trường của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) mới đây cũng đưa ra nhận định, nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu tăng là nguyên nhân chính khiến giá BĐS tăng mạnh. Mặc dù tình trạng các dự án treo, sốt ảo trên thị trường trong năm 2020 tiếp diễn và có thể kéo dài trong năm 2021, nhưng không có dấu hiệu hình thành “bong bóng” BĐS.
Dự báo, đến cuối năm 2021, nguồn cung sẽ tăng mạnh, một số nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường, giá có thể sẽ chững lại hoặc tăng khoảng 5% so với năm 2020.
Thêm vào đó là những yếu tố tiềm ẩn như: Số lượng mua bán tăng cao đột biến, số lượng giao dịch BĐS chủ yếu là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư, người mua thật ít, nguồn cung gia tăng quá nhiều so nguồn cầu, thị trường xuất hiện nhiều dự án chưa đủ pháp lý, giá tăng bất thường trong thời gian ngắn vượt xa giá trị thực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bất ổn và yếu tố trên đáng quan ngại.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đến đầu năm 2021, tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường Hà Nội đạt gần 16.500 sản phẩm, giao dịch hơn 4.300 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt gần 27%. Đối với đất nền, việc đô thị hóa mạnh tại các huyện, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đồng Anh… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m², tăng bình quân khoảng 30-40% so với năm 2019.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường đạt hơn 21.300 sản phẩm, giao dịch gần 13.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 61%. Giá BĐS tại các vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương… tăng từ 14-22 triệu đồng/m2, thậm chí đất tại thị trấn Long Thành, có nơi đã tăng đến trên 100 triệu đồng/m², dự báo năm 2021, mức gia có thể tăng 4-6%.
Ở góc độ chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án cần chuyên tâm trong việc nghiên cứu và cho ra những sản phẩm phù hợp với thị trường, tập trung vào các sản phẩm có giá trị thực, hướng tới nhu cầu thực, tránh mất cân bằng cung cầu; đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước về BĐS phải tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi các dự án treo, kịp thời nắm bắt diễn biến thị trường để điều tiết, bình ổn.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia BĐS cho rằng, dòng tiền đang “ùn ùn” đổ vào BĐS, vì nhiều ngành nghề phát triển chậm, lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều nhà đầu tư tìm đến BĐS như kênh đầu tư “trú ẩn” an toàn. Điều này đã dẫn đến hiện tượng nhu cầu thật mua BĐS để ở ít, chủ yều để đầu tư.
Từ cuối năm 2020 đến nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm xuống mức thấp, điều này khuyến khích các nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang đầu tư các kênh khác thay vì gửi ngân hàng, trong khi thị trường BĐS có nhiều nhà đầu tư vẫn tìm cơ hội.
Báo cáo thị trường BĐS của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, nguồn cung nhà ở đang thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi giá chưa có dấu hiệu giảm, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bất chấp các khó khăn về pháp lý, tài chính và dịch COVID-19.