Đề xuất áp sàn giá vé máy bay không những khiến các hãng hàng không bất đồng quan điểm khi đang chia thành hai: phe ủng hộ và phản đối, mà ý kiến của các chuyên gia cũng có nhiều khác biệt.
Việc cần có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay về tổng thể là cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh đặc thù hiện nay, nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ “vô tiền khoáng hậu”.
Đồng thời, cải thiện tình trạng cạnh tranh kiểu “tranh mua tranh bán”, giẫm đạp lên nhau tự làm yếu mình, đang làm méo mó thị trường, gây hoang mang cho nhà đầu tư và các hãng hàng không, cũng như gây thiệt hại cho tất cả các bên, và trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh thị trường, khiến mọi doanh thu từ vé bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia, cả cấp vi mô và vĩ mô.
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi áp giá sàn, hàng loạt giá vé ưu đãi 0 đồng sẽ biến mất vì mức áp sàn thấp nhất là 320.000 đồng/vé/chiều. Tuy nhiên, giá vé 0 đồng từ các đợt siêu ưu đãi của các hãng bay sẽ không bị “quét sạch” như đồn đoán do thực tế, các hãng đã ngầm áp “phí sàn” thậm chí cao hơn giá sàn theo dự thảo. Nhiều hành khách cho rằng, vé giảm thì tăng phụ phí, đâu lại vào đó chỉ khác nhau cái tên gọi. Quảng cáo vé 0 đồng nhưng thêm thuế phí lại thành tiền triệu. Nếu đi máy bay giá rẻ mà chậm huỷ chuyến, tàu bay không an toàn, dịch vụ tồi tệ thì hành khách cũng không muốn đánh đổi.
Vì vậy, cơ quan quản lý nên có công cụ để xóa bỏ cạnh tranh tiêu cực là cần thiết và đảm bảo lợi ích của khách hàng, khuyến khích tăng chất lượng dịch vụ khách hàng – “vũ khí” cạnh tranh mới.
Hiện hành khách được tiếp cận giá rẻ phụ thuộc vào chính sách, giá thành của từng hãng theo từng chuyến bay, đường bay, giờ bay. Một hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ trong giá vé, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cao hơn thì không thể bán cùng mức giá tối thiểu với hãng giá rẻ tiết giảm nhiều dịch vụ. Vì vậy, khi Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến các hãng hàng không xung quanh dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ 1/11/2021 đến 31/10/2022, các hãng bay chia hai phe và bày tỏ quan điểm rất trái chiều xung quanh vấn đề này.
Trong khi nhiều chuyên gia, hành khách phản đối câu chuyện áp giá sàn, có những chuyên gia lại đưa góc nhìn khác. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Vận tải – Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, tất cả các doanh nghiệp vận tải đều gặp khó khăn nhưng hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay “đắp chiếu”, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ…. Trong khi đó về giá vé, hiện nay, xuất hiện hiện tượng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé.
Tính đến tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ năm 2019. Giá vé giảm có thể có nguyên nhân đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung. “Nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán”, ông Thái nhận định. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong ngắn hạn và một số bộ phận người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm. Nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc tiếp tục diễn ra, các doanh nghiệp khi đó sẽ tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất. Tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt thòi.
Tranh cãi xung quanh câu chuyện Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó, đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa, vẫn chưa có hồi kết.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)