Chưa lúc nào cơn sốt đất vùng ven lại diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng như lúc này. Bởi thế, câu hỏi rất được quan tâm là vì sao chỉ trong thời gian ngắn giá đất lại tăng nhanh đến vậy và cơn sốt này xuất phát từ nhu cầu thực hay chỉ là “sốt ảo”?
Đã từ lâu thị trường đất nền TP.HCM khan hiếm nguồn cung và giá đã được đẩy lên mức rất cao, trong khi các địa phương giáp ranh với điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển mạnh của hạ tầng giao thông, giá đất còn chưa tăng mạnh, nên tiềm năng tăng giá còn nhiều. Đồng thời, các thông tin quy hoạch vùng, sự phát triển hạ tầng giao thông từ TP.HCM tới các địa phương lân cận cũng làm tăng sức hút của thị trường bất động sản những nơi này.
Về yếu tố ảo, những cơn sốt đất nền vùng ven gần đây đã bộc lộ rõ dấu hiệu có sự tác động của giới đầu cơ, “cò” đất. Nguồn tin của phóng viên cho biết, lợi dụng nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân ngày càng cao, trên thị trường hiện nay có những đội nhóm chuyên đi săn đất vùng ven, sau đó tung tin về quy hoạch nhằm đẩy giá đất tăng nhanh, tạo nên những cơn sốt ảo, sau đó âm thầm thoát hàng, để lại “quả đắng” cho nhà đầu tư đến sau.
Trước hiện tượng tăng giá ồ ạt trên thị trường bất động sản, các chuyên gia đã thường xuyên lên tiếng cảnh báo đây chỉ là chiêu “bình cũ rượu mới”, vẫn là câu chuyện mượn cớ tạo “sóng”, tìm cách đẩy giá để kiếm lời hoặc thoát hàng của giới đầu cơ… Những thông tin về quy hoạch, hạ tầng giao thông hay những dự án lớn sắp triển khai được các chủ đầu tư, sàn giao dịch hoặc các nhà đầu cơ, môi giới bất động sản tận dụng triệt để để “bơm thổi” giá đất, tạo cơn sốt ảo nhằm thoát hàng tồn. Đáng nói, họ còn có thể “bắt tay” nhau để tạo sóng, tạo khan hiếm giả tạo, giao dịch giả tạo, tăng giá ảo… Mục đích tạo sốt ảo là nhằm thoát một lượng hàng lớn mà họ đã mua vào từ trước đó, đẩy rủi ro cho người mua sau. Nhà đầu tư mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản.
Những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất trải rộng trên nhiều tỉnh thành như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Thanh Hóa (huyện Quảng Xương), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), TP.HCM (TP. Thủ Đức)… Giá đất tại các địa phương bị “thổi” lên khá cao. Tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu tháng 10/2021, có thông tin thị xã La Gi sẽ được quy hoạch trở thành thành phố vào năm 2025, nên giới đầu tư đất ùn ùn kéo tới. Mỗi ngày có hàng chục nhóm nhà đầu tư rảo khắp nơi để tìm mua đất, khiến giá đất nơi đây tăng nhanh chóng. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu những ngày qua tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, hầu hết hàng quán đều đóng cửa, song theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có nhiều nhà đầu tư về đây săn đất.
Các nhà đầu tư, nhà môi giới sau thời gian dịch bệnh kéo dài, với tâm lý trở lại “phục thù” thị trường, họ đã tạo ra những đợt “sóng” để đẩy giá đất lên cao. Các chủ đầu tư thì tung tin đã bán hết các khu dự án, các nhà môi giới thì tung tin dự án bán rất chạy… Nhưng đây không phải là “sốt” thật. Thực tế chỉ có một số người có nguồn tiền nhàn rỗi, khi mà lãi suất tiết kiệm ngân hàng xuống thấp để phát triển kinh tế, thì họ đã chuyển hướng sang đầu tư bất động sản với kỳ vọng thu được lãi suất cao như những thông tin không chính thức được tung ra. Chính do những thông tin chưa chính thức, chưa chuẩn về thị trường bất động sản hiện nay đã làm dấy lên các đợt sốt “ảo”, thậm chí nhiều nơi không hề tăng giá nhưng mỗi ngày lại có một thông tin về giá khác nhau, hôm sau cao gấp mấy lần hôm trước.
Ngay sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản như sau nén lại “bung” ra. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói nguồn lực trong dân còn rất nhiều là không sai, một chuyên gia về tài chính nhận xét. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam – cũng lo ngại sốt đất quay trở lại. Ông thừa nhận có nhiều dấu hiệu đang bắt đầu cho thấy điều đó. Theo ông, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung, một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao.
Tổng Hợp