Trong báo cáo mới đây, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá BĐS đang đối mặt với nhiều áp lực. Cụ thể, giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng, đặc biệt là ở phân khúc chung cư cao cấp, dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Ngoài ra, nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị lớn.
Trên thực tế, thị trường bất động sản đang tìm cách tái khởi động sau dịch, vì vậy các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách thanh toán linh hoạt để thu hút khách hàng. Cụ thể, thời gian qua có nhiều dự án ở TPHCM đưa ra chính sách thanh toán 15% sẽ được ký hợp đồng mua bán căn hộ, số còn lại ngân hàng hỗ trợ.
Như vậy, với căn hộ trị giá 2 tỉ đồng, khách hàng chỉ cần thanh toán 300 triệu đồng là có thể ký hợp đồng mua bán và “lướt sóng” căn hộ. Chính sách này được triển khai có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư nhỏ trong bối cảnh huy động vốn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên thực tế trong đợt dịch bệnh vừa rồi đã có nhiều nhà đầu tư bán cắt lỗ.
Bên cạnh đó, ở giai đoạn cuối năm, hiện tượng săn đất trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều này vô tình tạo ra những giao dịch không chính thống và có thể tạo ra bong bóng BĐS.
Trong vòng ba tháng qua, 4.968 căn được chào bán tại TPHCM, tương ứng với mức tăng 30% theo quí và hơn một nửa nguồn cung này đến từ dự án ở quận 9. Tuy nhiên chỉ có 4 dự án có thể ký hợp đồng mua bán trong quí 3, đây là một trong những mức thấp nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung gây ra bởi những vướng mắc pháp lý còn tồn đọng. Hơn nữa, đợt Covid-19 thứ hai và tháng 7 Âm lịch rơi vào giai đoạn này khiến cho lễ mở bán bị hoãn lại tới cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Đơn vị khảo sát cho biết, xét chu kỳ dài hạn toàn thị trường căn hộ, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục tăng giá trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung. Dưới tác động của Covid-19, để gia tăng doanh số, họ đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn như gia hạn lịch thanh toán, hỗ trợ thời gian ân hạn lãi suất dài hơn, hoặc tặng phí quản lý trong 2 năm.
Trong khi đó, Báo cáo thị trường bất động sản TPHCM quí 3 của CBRE Việt Nam thị trường căn hộ quí 3 không có nguồn cung mới ở phân khúc trung cấp giá dưới 46 triệu đồng/m2, khiến thị trường nhà thứ cấp trở nên sôi động hơn.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho biết, trong khi thị trường căn hộ sơ cấp có tình trạng sụt giảm nguồn cung và giá mở bán vẫn tăng 6% theo năm. Hiện nay hầu hết khách hàng bị ảnh hưởng khá lớn do dịch Covid-19 nên họ quan tâm hơn về giá, phương thức thanh toán cũng như sự hỗ trợ của ngân hàng.
Nhu cầu phần lớn của khách hàng mua để ở là phân khúc tầm trung nên nhóm này thường hướng đến các dự án ở thị trường thứ cấp đã bàn giao với mức giá mềm và có thể chuyển vào ở ngay. Chính vì vậy, nhóm khách hàng này có thể cân nhắc đến việc mua nhà thứ cấp, đồng thời thanh toán 50-70% giá trị căn nhà cho người bán và tiếp tục thanh toán phần còn lại cho chủ đầu tư.
“Riêng với những người mua nhà để đầu tư, họ vẫn sẽ ưu tiên hướng đến mua căn hộ sơ cấp với tiến độ thanh toán dài hơn”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nói thêm.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, sự khởi động của hàng loạt công trình giao thông liên vùng và nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý của Chính phủ sẽ là xung lực đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bước vào guồng quay mới sau thời gian dài bị dồn nén.
Không những hội tụ đủ 3 điều kiện đẩy giá bất động sản leo dốc giống thế giới, thị trường nhà đất Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.