Cần sửa đổi chính sách để Việt kiều có thể dễ dàng mua bất động sản tại Việt Nam. Nếu điều này được thực hiện, nguồn kiều hối (ước tính vào năm 2023 khoảng 19,2 tỷ USD) có thể được sử dụng nhiều hơn để vực dậy thị trường bất động sản.
Được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm theo dõi từ các thành viên thị trường bất động sản với mong muốn có thêm sức cầu từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, có thể xem xét mở rộng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo thêm động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, khi việc sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam thuận lợi hơn sẽ kích cầu sản phẩm nhà ở cao cấp.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Kinh doanh, CBRE Việt Nam, năm 2022, nguồn cung căn hộ cao cấp và hạng sang tại TP.HCM chiếm tới 94% tổng nguồn cung mới. Tại Hà Nội, tình trạng lệch pha cung – cầu cũng đang lặp lại kịch bản của TP.HCM, khi sản phẩm hạng sang và cao cấp đang chiếm tới 56% tổng nguồn cung mới và dự báo trong 3 năm tới, đa phần nguồn cung mới tại địa bàn Thủ đô cũng thuộc phân khúc trung và cao cấp.
Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, người nước ngoài đánh giá rất cao thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng khó khăn về pháp lý đang là rào cản chính. CBRE đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài và nhận thấy nhu cầu của họ rất cao. Trong gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện, có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, dẫn đầu là khách hàng Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…, tiếp đó là châu Âu, Mỹ.
Theo ông Kiệt, phân khúc khách hàng nước ngoài đang có sự chuyển dịch rõ ràng. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu tập trung ở khu Đông và đang chuyển dịch sang phía Nam và khu trung tâm. Chủng loại sản phẩm cũng thay đổi, khoảng 5-6 năm trước họ thích sản phẩm căn hộ có một phòng ngủ, nhưng nay sản phẩm 2-3 phòng ngủ được quan tâm nhiều, cho thấy xu hướng đưa cả gia đình sang Việt Nam sinh sống lâu dài.
“Hiện nay, nguồn cung nhà ở giá cao chiếm tỷ trọng lớn, nếu nới điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc này. Chưa kể, việc không thu hẹp diện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài. Khi những người giỏi vào Việt Nam làm việc, họ gắn bó lâu dài ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ có nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở và khi đó sẽ kích thích đầu tư…”, đại diện CBRE phân tích.
Còn ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện có hơn 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số này, có khoảng 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích sản và trong số đó, hơn 3 triệu người có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Số lượng người có tiền mua căn hộ giá 20-30 tỷ đồng rất nhiều. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan đã cho người nước ngoài sở hữu 99 năm.
“Sức cầu sản phẩm bất động sản từ hàng triệu Việt kiều mong muốn trở về quê hương sinh sống là rất lớn”, ông Bảo nói và cho rằng, chúng ta vẫn đang kiểm soát chặt vấn đề này nên không quá đáng ngại. Việc khuyến khích người nước ngoài mua và sở hữu nhà, trước mắt giúp vực dậy thị trường bất động sản, về lâu dài còn là yếu tố hỗ trợ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng Hợp
(ĐTCK)