Việc thành lập Tổ công tác không chỉ mang lại niềm tin về một triển vọng tốt cho các doanh nghiệp hay các nhà đầu tư đang “mắc kẹt” do vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn, mà còn lấy lại niềm tin của người mua nhà.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp bất động sản đánh giá đây là động thái tích cực, kịp thời.
Thực tế là có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý, nên quyết định được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý khách hàng và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đây cũng được xem là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực tự cứu mình nhằm giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Trong quý III/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cho 4 dự án với tổng cộng 2.144 căn, giảm 200% số dự án so với quý trước. Dự án được cấp phép mới trong quý chỉ có 2 dự án với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn.
Lượng hàng tồn kho chiếm 66% tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường với khoảng 4.400 căn, cao nhất kể từ năm 2019. Trong đó, phân khúc hạng A và B chiếm tới 89% lượng tồn kho. Lượng giao dịch căn hộ trong quý III/2022 giảm 89%, xuống còn hơn 990 căn và tỷ lệ hấp thụ giảm 54% theo quý, thấp nhất kể từ năm 2019.
Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, trong quý III/2022, nguồn cung bất động sản trên địa bàn thành phố vào khoảng 3.600 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường, tập trung tại các quận Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, trong khi sản phẩm mới được chào bán rất hiếm.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP.HCM, tín dụng bất động sản bị “thắt” gây khó khăn cho cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua nhà. Với người mua, khó tiếp cận vốn vay sẽ hạn chế việc tiếp cận nhà ở.
Về phía chủ đầu tư, để phát triển một dự án bất động sản cần lượng vốn lớn và xuất phát từ nhiều nguồn, bao gồm vốn chủ sở hữu, tín dụng ngân hàng, huy động từ các đối tác và người mua nhà, trong đó phần lớn đến từ vay ngân hàng. Do đó, nếu tín dụng bất động sản cởi mở hơn thì thị trường có thể sẽ tích cực hơn.
Đại diện các doanh nghiệp bất động sản đều có chung quan điểm rằng, vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Nguyên nhân do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian.
Tổng Hợp