Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư (NĐT) trái phiếu.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có quỹ bình ổn trái phiếu hoặc Nhà nước có thể hỗ trợ qua hệ thống ngân hàng mua nợ trái phiếu, chiết khấu dần cho đến khi hết nợ theo phương thức xử nợ xấu qua VAMC.
Một chuyên gia đánh giá ưu điểm của giải pháp này là không cần “tiền tươi thóc thật”, song phải chú trọng ưu tiên của ngân hàng hiện nay. Hiện tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5%, song tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, gây quan ngại về thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Mặc dù vẫn biết với tình trạng hiện nay, không sớm ổn định ngay thị trường TPDN, sẽ tác động sâu đến các biến số khác, bao gồm dòng vốn đầu tư vào-ra theo hướng tiêu cực, tác động trực tiếp đến tỷ giá, đến chi phí rủi ro quốc gia, đến lãi suất…. Đây sẽ là một vòng xoáy ngày càng lớn, dù xuất phát điểm chỉ là do sai phạm của một số trường hợp đơn lẻ, mất niềm tin cục bộ được “nhóm lửa” bởi tin đồn…, nhưng những giải pháp “giải cứu” thị trường TPDN nếu không thiết thực trên cơ sở đánh giá toàn diện, sẽ khó đạt được hiệu quả.
Đại diện các quỹ Dragon Capital và SSIAM cho biết trong các tuần qua, việc rút chứng chỉ quỹ (CCQ) đã diễn ra tại một số quỹ trái phiếu. Trong 2 tuần gần đây, các quỹ trái phiếu bị rút trung bình 2-3% NAV mỗi ngày.
Tình trạng rút CCQ do 3 nguyên nhân chính: (i) tin đồn làm mất niềm tin của NĐT đối với thị trường; (ii) mặt bằng lãi suất huy động tăng quá nhanh; (iii) tâm lý NĐT mua CCQ như một khoản tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, đã có hàng loạt NĐT trái phiếu xếp hàng yêu cầu tất toán/ rút tiền trước hạn. Một chuyên gia cho rằng, nguy cơ rút CCQ có thể lớn hơn nếu không có giải pháp ổn định thị trường TPDN phù hợp. Mối lo vỡ nợ TPDN xuất phát từ một dự án vỡ nợ trái phiếu khiến Chính phủ Hàn Quốc phải vào cuộc giải cứu là ví dụ.
Bất động sản “ồ ạt” công bố thông tin, kết quả mua lại trái phiếu trước hạn
Trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của HNX, loạt doanh nghiệp triển khai mua lại trái phiếu trước hạn mới đây, cũng ghi danh tiếp nhiều công ty bất động sản.
Chuyên trang thông tin trái phiếu của HNX cũng ghi nhận chỉ từ 31/10 đến 4/11, trong vòng khoảng 1 tuần, hàng loạt công ty đã có kết quả mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị lớn. CTCP Bất động sản Vinaconex đã mua lại trái phiếu trước hạn 550 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk, một thành viên của Tập đoàn Capital House của doanh nhân Đỗ Đức Đạt cũng mua lại hơn 66 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô trái phiếu 600 tỷ đồng theo giá trị phát hành vào 2020, kỳ đáo hạn 2023; WTOC – Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng mua lại trái phiếu trước hạn 69,6 tỷ đồng trong giá trị phát hành 600 tỷ đồng; SLDC – Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom có các đợt mua lại trái phiếu trước hạn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/giá trị phát hành 237,5 tỷ đồng…
Nhóm tài chính đã công bố kết quả mua lại trước hạn ở thời gian gần nhất, có Ngân hàng An Bình mua lại trái phiếu trước hạn 500 tỷ đồng; Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) mua lại trái phiếu trước hạn trị giá 207,3 tỷ đồng / giá trị phát hành 499,9 tỷ đồng; VietinBank mua lại trọn lô trái phiếu trước hạn (có kỳ hạn tới 2027) trị giá 750 tỷ đồng; Tương tự VietBank mua lại 343 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, phát hành năm 2020 và kỳ hạn đáo hạn 2027; VIB mua lại 250 tỷ đồng…
Danh sách này chắc chắn sẽ còn dài với các kết quả mua lại trái phiếu trước hạn sẽ được công bố tới đây, khi Nghị quyết mua lại và các công bố thông tin đang được doanh nghiệp dồn dập tiến hành. Tình trạng mua lại trái phiếu trước hạn nhìn chung, theo nguyên tắc yêu cầu của tổ chức phát hành hoặc của người đại diện nhóm sở hữu trái phiếu… trong bối cảnh hiện nay, được giới chuyên môn đánh giá hầu hết là sự “chẳng đặng đừng” của doanh nghiệp khi thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn, nhiều nhà đầu tư nóng lòng muốn được tất toán trước hạn. Bên cạnh đó việc sử dụng vốn theo mục đích phát hành, các chuẩn công bố thông tin…, cũng là những nguyên nhân.
Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu, nhưng đúng là mới thực sự được thị trường quan tâm và phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là 2 – 3 năm gần đây. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP.
Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều duy trì ở mức cao và riêng trong khu vực Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP),…
Về chất lượng, đánh giá một cách khách quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây. Chúng ta cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả. Mặc dù vậy, vì sự tăng trưởng nhanh, lại trong bối cảnh COVID-19 xảy ra, nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Tổng Hợp