Cần phải nhìn nhận, đánh giá khách quan về vai trò của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt 2 năm 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực với nền kinh tế, ngân hàng siết chặt quy định, tiêu chuẩn cho vay.
Cơ quan quản lý cần giải đáp các băn khoăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư về một số quy định mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020.
Cụ thể, đó là phải làm rõ tính khả thi của quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với TPDN phát hành riêng lẻ; có cần phải nâng cao kỳ hạn TPDN để dần thay thế vốn tín dụng trung – dài hạn?
Phân biệt TPDN phát rành riêng lẻ và phát hành ra công chúng, có nên khuyến khích đẩy mạnh phát hành TPDN ra công chúng?
Ngoài ra, khối lượng TPDN đáo hạn 3 năm tới là rất lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản. Cơ quan quản lý cần đánh giá khả năng trả nợ của trái phiếu bất động sản, đặc biệt là hệ quả nếu đổ vỡ trái phiếu bất động sản. Có như vậy, mới khơi thông được TPDN, thị trường TPDN mới phát triển ổn định và bền vững.
cần nhìn nhận thực tế rằng, yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp khi phát hành TP phải có xếp hạng tín nhiệm cho từng đợt phát hành ở thời điểm hiện tại là khó, vì nền tảng thị trường chưa thể đủ năng lực ngay, đặc biệt khi trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát hành chủ yếu là riêng lẻ, trong khi xếp hạng chủ yếu có ý nghĩa với phát hành ra công chúng. Ở Mỹ, phát hành riêng lẻ rất ít và không cần xếp hạng vì đây là đầu tư mạo hiểm, còn phát hành ra công chúng, đối tượng chủ yếu người dân không đủ năng lực đọc báo cáo tài chính thì quy định này là cần thiết.
Thực tế chúng ta vẫn đang loay hoay để tìm lời giải cho bài toán huy động vốn qua kênh TPDN. Nếu đọc các quy định của Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 sẽ có cảm giác, cơ quan quản lý muốn siết lại hoạt động TPDN phát hành riêng lẻ để mở cửa cho hoạt động phát hành ra công chúng. Về hướng đi thì đúng và là thiết kế dài hạn. Tuy nhiên, điều này mang tới lo ngại về hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn sẽ được xử lý thế nào là câu hỏi cần có lời giải (khoảng 85.000 tỷ trong năm 2022 và 150.000 tỷ năm 2023).
Thậm chí, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn còn “lăn tăn” quy định về kiểm soát mục đích sử dụng vốn. Điều này là bất khả thi. Ở Mỹ, đến vay ngân hàng thì họ cũng không kiểm soát mục đích sử dụng vốn. Quan trọng là ngân hàng xem hồ sơ, đánh giá một doanh nghiệp được vay bao nhiêu thì trong giới hạn rủi ro, sau đó cấp một hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đó. Từ đó, doanh nghiệp cần lấy bao nhiêu trong hạn mức đó đều có thể dễ dàng rút ra, không cần thêm hồ sơ, cũng không cần cho biết sẽ dùng tiền đó để làm gì.
Để tăng tính dài hạn của TPDN có thể học cách tăng kỳ hạn của trái phiều Chính phủ (TPCP) trước đây. Đó là cần một số doanh nghiệp phát hành với lãi suất cao, kỳ hạn dài, rủi ro không quá lớn, các quỹ đầu tư, NHTM sẽ mua. Khi thị trường được nâng cấp, quen dần với kỳ hạn dài thì giảm dần lãi suất. Muốn làm được như vậy, cơ quan quản lý phải tính được cho doanh nghiệp, khi phát hành lãi suất cao, kỳ hạn 10-20 năm vẫn lợi hơn phát hành lãi suất như hiện nay và kỳ hạn ngắn.
Thị trường TPDN tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn 2018-2021, dần trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nóng cũng đã dẫn tới nhiều hệ luỵ, thị trường phát triển thiếu bền vững, gây nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Từ cuối năm 2021, các cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục phát đi những thông điệp cảnh báo về thị trường TPDN, và đỉnh điểm là việc khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến 10.000 tỷ đồng trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.
Thị trường TPDN ngay lập tức rơi vào tình trạng đóng băng, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản. Một bộ phận chủ chốt của thị trường vốn theo đó đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Các chủ thể tham gia thị trường TPDN đang chờ đợi các tín hiệu mới của cơ quan quản lý nhà nước, mà quan trọng nhất là Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 mà Bộ Tài chính đang xây dựng, đã đặt trên bàn Thủ tướng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, phát triển thị trường trái phiếu cần một tư duy làm sao để nâng tầm thị trường, kéo dài kỳ hạn trái phiếu, sau đó là giảm dần lãi suất. Tiềm năng của TPDN là rất lớn. Theo thống kê tổng dư nợ TPDN hiện nay vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, trong khi tổng số vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng.
Những năm qua, TPDN tăng trưởng với tốc độ 40-45%/năm, có nghĩa cứ sau 2 năm khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi và sau khoảng 6 năm dư nợ TPDN có thể lên tới 11,2 triệu tỷ đồng – gần như gánh được nhu cầu vốn trung dài hạn của cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo TS Nghĩa: “Hiện tại quan điểm khi xây dựng chính sách lại coi trái phiếu doanh nghiệp như trò cờ bạc của các nhà phát hành mà chưa có tâm thế của người làm chủ thị trường và đây là kênh dẫn vốn trung dài hạn chủ đạo”.
Thực tế cho thấy sau vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến 10.000 tỷ đồng trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành, Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường TPDN quay đầu trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.
Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại, trong khi trước đó, thời kỳ sôi động, có hàng chục nghìn tỷ TPDN phát hành thành công trong 1 tháng.
Có thể nói, sau giai đoạn bùng nổ, hoạt động phát hành TPDN rơi vào trầm lắng khi những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ).
Lẽ ra ngay từ đầu khi phát triển thị trường TPDN đã phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm. Ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, ngay cả khu vực châu Á thì doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu là phải được xếp hạng tín nhiệm. Xếp hạng là khám sức khoẻ từng công ty, khám một cách chi tiết. Kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập còn an toàn hơn so với việc Ủy ban Chứng khoán kiểm soát, giám sát hoạt động của nhà phát hành. Vì cơ quan quản lý không đủ sức để kiểm soát tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động.
Tổng Hợp