Cần phải chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá để hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua.
Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất UBND TPHCM xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM được chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá. Bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm tham gia đấu giá, năng lực điều hành, báo cáo tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá;
Cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.
Giá trúng đấu giá thực chất là giá kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, giá kỳ vọng cao sẽ gây xáo trộn nhất định, nhưng về lâu dài, thị trường sẽ tự có cơ chế điều tiết và cân bằng. Do vậy, theo các chuyên gia, cần phân biệt 3 loại giá đất trong các quy định pháp luật có liên quan, gồm giá đất theo tham chiếu do Nhà nước quy định, giá đất của thị trường và giá kỳ vọng của nhà đầu tư.
Để hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng cần có quy định riêng đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển dự án. Về bản chất, có thể coi đây là hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất. Rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác định năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.
Cần nghiên cứu bổ sung các quy định về giá khởi điểm và tiền đặt cọc một cách phù hợp, cũng như chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá để hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua.
Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, đã có một số kiến nghị đến UBND TPHCM nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng. Theo Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các chuyên gia cho rằng, về phương thức đấu giá, ngoài việc tổ chức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại buổi đấu giá thì cần xem xét áp dụng các hình thức khác như đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu gián tiếp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý đối với đấu giá tài sản ở nước ta còn nhiều hạn chế. Ông Châu chỉ ra, Luật Đấu giá 2016 quy định phải nộp tiền đặt trước (đặt cọc) với mức tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tuy nhiên, luật lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền đặt cọc hay có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư trả giá cao hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá, để chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư. Ông Châu lấy ví dụ, lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm có giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng, tiền đặt trước 20% là 588,4 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá đã lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 41,6 lần số tiền đặt cọc.
Do đó, ông Châu đề nghị xem xét sửa đổi về việc nhà đầu tư phải nộp tiền đặt trước để được tham gia đấu giá theo hướng quy định nhà đầu tư chỉ được trả giá lô đất đấu giá khi có đủ tiền trên tài khoản, hoặc khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng; hoặc đề nghị xem xét việc nhà đầu tư đã nộp tiền đặt trước chỉ được trả giá không vượt quá gấp rưỡi giá khởi điểm.
Tổng Hợp