Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% được ngân hàng thương mại mua. Cần nhìn nhận đúng về trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Bởi thực tế cho thấy, lượng trái phiếu các doanh nghiệp ngành này phát hành trong thời gian qua chiếm tới 60% tổng lượng trái phiếu phát hành toàn thị trường, trong khi đó, chỉ có khoảng 5 – 6 doanh nghiệp bất động sản có năng lực mạnh.
Lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là riêng lẻ và thuộc về lĩnh vực bất động sản. Trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng chủ yếu do ngân hàng thương mại mua và phân phối qua kênh bán lẻ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thường dao động từ 10 – 13%/năm, trong khi đó lãi suất tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng áp dụng chỉ có 5 – 6%/năm, vì thế, nhiều giao dịch viên của ngân hàng tư vấn cho khách hàng nếu không muốn dùng tiền tiết kiệm mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thì có thể gửi tiết kiệm rồi dùng chính sổ này thế chấp vay tiền mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn rất nhiều.
Trong khi đó, chi phí phát hành trái phiếu của doanh nghiệp còn cao hơn cả mức lãi suất phát hành 12-13%/năm, thậm chí chi phí phát hành lên đến 15%, chủ yếu là chi phí bảo lãnh và chi phí phân phối qua hệ thống ngân hàng để có thể tiêu thụ hết. Có một thực tế hiện nay là, trong điều kiện phát hành trái phiếu còn dễ dãi, các tập đoàn bất động sản lớn không đứng ra phát hành, mà chủ yếu thông qua các công ty con vừa được thành lập để triển khai dự án mới. Trong khi đó, chất lượng của trái phiếu và năng lực của doanh nghiệp không được đảm bảo, dẫn đến rủi ro cho người mua trái phiếu, nhất là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì thế, bên cạnh việc nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu, cần bắt đúng “bệnh” của nó, từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý, khuyến nghị nhà đầu tư để thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong đại dịch Covid-19, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Do đó, lượng vốn tín dụng của ngân hàng tăng trưởng cũng được xem là một trong những giải pháp đẩy mạnh vốn ra thị trường. Thế nhưng, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% người mua là các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ khó tránh rủi ro.
Dẫn số liệu tỷ lệ đóng góp khoảng 22% vào tổng lượng cung vốn toàn nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được nhìn nhận là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, nhất là cho doanh nghiệp.
Theo TS. Lực, vai trò của ngân hàng chỉ là cung ứng vốn ngắn hạn, bởi bản chất của ngân hàng là huy động vốn của người dân để cho vay, trong đó chủ yếu là vốn ngắn hạn. Tuy vậy, trong tổng số 1,4 – 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng cung ứng mỗi năm, có tới 45% trong đó là vốn trung, dài hạn.
Nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn, ước tính giai đoạn 2022 – 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng mỗi năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn Nhà nước chỉ chiếm 25 – 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cũng góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Ngoài ra, thị trường này phát triển sẽ giúp đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tài chính, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, hạn chế tình trạng vàng hoá, đô-la hóa nền kinh tế.
“Làm thế nào để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh là vấn đề cần được quan tâm, thúc đẩy. Nói cách khác là chúng ta kiến tạo thị trường, song phải kiểm soát rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.
Tổng Hợp