Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc các dự án phát triển nhà ở có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2 sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý III năm nay. Theo đó, Nghị quyết sẽ đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án phát triển nhà ở có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.
Cụ thể, loại hình căn hộ này được thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70 m2 sàn, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2. Như vậy, giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT)…
Các giải pháp khuyến khích khác có thể kể đến là cả chủ đầu tư dự án và người mua nhà đều được vay lãi suất ưu đãi 7 – 8%/năm, không khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư, được giải quyết nhanh thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, được hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng…
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng với mức giá trần 20 triệu đồng/m2 nêu trên, nhiều chủ đầu tư sẽ thấy khả thi nếu được hỗ trợ về cơ chế, tài chính. Trong khi đó, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam lại đánh giá, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần phải giải quyết một số nút thắt thì chính sách mới có thể đi vào thực tiễn.
Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills chỉ ra quỹ đất hiện nay là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu. Quỹ đất dành cho nhà ở thương mại giá rẻ trong khu vực nội thành TP.HCM và Hà Nội đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ hai là những tồn tại trong vấn đề pháp lý, phê duyệt chính sách từ lúc chấp thuận chủ trương, nghị quyết của Bộ Xây dựng tới việc thống nhất của các ban ngành liên quan, cho đến khi có được giấy phép xây dựng và quyết định khởi công dự án.
Thứ ba là biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp thực hiện dự án. Ông Sử Ngọc Khương đánh giá, mặc dù nhu cầu và sức mua của loại căn hộ này lớn, biên độ lợi nhuận lại rất mỏng. Điều đó giải thích cho tình trạng thời gian qua, rổ hàng của phân khúc này không nhiều. Chuyên gia đặt câu hỏi liệu rằng có khúc mắc khiến các nhà đầu tư không mặn mà gì với phát triển sản phẩm này.
Cuối cùng có thể kể đến là chất lượng các sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ. Mặc dù khó để so sánh với các phân khúc trung và cao cấp hơn, vẫn phải đảm bảo những tiêu chuẩn cơ bản trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng an toàn xây dựng, cơ sở hạ tầng đi kèm, hệ thống cảnh quan, giao thông.
Vấn đề này đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và các bộ ngành.
Vì vậy, nếu những rào cản trước mắt này được giải quyết một cách triệt để và đồng bộ sẽ tạo ra quỹ đất tốt, thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, từ đó giúp nghị quyết có tính hiện thực hóa cao hơn, mang lại nhiều động lực và thu hút các chủ đầu tư bất động sản trong tương lai.