Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Doanh nghiệp kiến nghị đã nhiều lần gửi hồ sơ để được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 0% của Ngân hàng Chính sách nhưng chưa được giải quyết…
Do tình hình tạm ngưng và hoạt động cầm chừng, thì câu chuyện sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đương nhiên là gặp khó, trong đó, khoảng 86,4% các doanh nghiệp nói là có thể duy trì được dưới 3 tháng. Đây là một con số rất đáng báo động, vì nếu kéo dài nữa thì doanh nghiệp sẽ cạn kiệt và không còn sức chịu đựng, kể cả những doanh nghiệp đang sản xuất. Vấn đề đặt ra hiện nay là bơm vốn cho doanh nghiệp, nhưng còn có rất nhiều “nút thắt” trong việc này.
Trong yêu cầu giảm lãi suất, thì không phải tất cả các ngân hàng đều giảm và doanh nghiệp vẫn phải xét các dự án, các điều kiện, tiêu chí và chờ ngân hàng tính toán xem có cho vay hay không.
Ngoài kiến nghị và đề xuất giải pháp của các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia về việc gỡ nút thắt dòng tiền cho doanh nghiệp, mới đây, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để xin triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, Liên minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Doanh nghiệp được vay phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh. Đồng thời, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế.
Một số báo cáo khảo sát cho thấy, khoảng 70% các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh giao dịch; khoảng 15% giải thể hoặc chờ giải thể, chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ hoặc một cung đường hai điểm đến, riêng TP.HCM, các con số này còn cao hơn nhiều.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động. Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã và đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp, cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ, nhà nước lẫn tư nhân, trong nước cũng như ngoài nước, rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền, khó tiếp tục trụ vững nếu dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Trong một cuộc khảo sát với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân – Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tháng 8 vừa qua, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1 – 3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền. Trong khi sức chịu đựng của doanh nghiệp là có hạn và hiện đã tới hạn thì những giải pháp hỗ trợ vừa qua tính cấp bách không cao, mà chưa giải quyết được khó khăn trước mắt của hầu hết doanh nghiệp là cạn kiệt dòng tiền.
Sáng kiến chính sách cấp bù lãi suất không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp (DN) mà còn kích hoạt nguồn vốn trong xã hội. Có thể nói, chính sách “cấp bù lãi suất” của Quốc hội là một trong những chính sách chạm đến khó khăn lớn nhất và ngay trước mắt của doanh nghiệp hiện nay. Tuy vậy, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc “kéo” lãi suất xuống thấp sẽ có thể làm “méo” thị trường tài chính.
Mong muốn của cộng đồng DN để chính sách về tín dụng được phát huy hết những tác dụng thì ngân hàng cũng cần tính toán làm sao để có thể cho được nhiều DN có thể tiếp cận tín dụng hơn trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của DN lên cao hơn tài sản thế chấp. Chỉ khi nào gỡ được điều đó thì nhiều DN mới có thể tiếp cận tín dụng hơn, từ đó, mới phát huy được hết những ý nghĩa của 1 chính sách tín dụng cũng như phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)