Thao túng bất động sản nguy hiểm không kém gì thao túng chứng khoán, cần có thêm quy định để cấm thao túng làm giá trên thị trường bất động sản…
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Dự thảo) sáng nay 31/10, Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Nai nhấn mạnh cần làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản.
Theo đại biểu, hành vi thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi dẫn đến tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.
Đại biểu phân tích, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng, do vậy cần quy định hành vi cấm thao túng thị trường bất động sản trong dự án Luật này.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng cần bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản vào các hành vi bị cấm, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh.
“Thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở”, đại biểu Thông nói.
Đây cũng là ý kiến của đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Bởi trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH Quảng Bình nhấn mạnh, Kinh doanh bất động sản là luật rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển thị trường bất động sản liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, do đó các quy định của Luật cần chặt chẽ, tránh sơ hở, đáp ứng yêu cầu phòng,chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Dự thảo quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Theo Luật Phòng chống tham nhũng thì việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, đối với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc “thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”. Đại biểu đề nghị sửa lại nội dung chính sách nêu trên để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng của Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, quy định công khai, minh bạch thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh cũng là một quy định quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên còn một số bất cập.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)