Theo các chuyên gia bất động sản, cần chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản để buộc các nhân sự gia nhập vào lĩnh vực BĐS phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản, nhằm giữ cho thị trường BĐS luôn ổn định, phát triển lành mạnh.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, thực tế thì sau Tết là thời điểm hoạt động mạnh mẽ của các “cò đất”, môi giới thiếu chuyên nghiệp, nhằm đẩy giá lên cao để “lướt sóng” kiếm lời, bằng cách tạo dựng tài liệu, hiện trường giả để tung tin, tạo “sóng”, “sốt đất”. Do đó rất cần những quy chuẩn chung và các quy định phạt rõ ràng cho các nhà môi giới trên thị trường BĐS, để buộc các nhân sự gia nhập vào lĩnh vực BĐS phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản đó nhằm giữ cho thị trường luôn ổn định, lành mạnh.
Ví dụ như, để chấn chỉnh thực trạng môi giới BĐS “làm càn”, Hội Môi giới BĐS Quảng Ninh, Hội Môi giới BĐS Hải Phòng và nhiều tỉnh thành đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường giám sát, tuyên truyền, thực thi các quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức đang tham gia hoạt động môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh. Hội Môi giới BĐS các tỉnh thành khác cũng đề xuất, tổ chức các khóa học nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề BĐS nhằm xây dựng một môi trường BĐS chuyên nghiệp, hoạt động theo đúng pháp luật.
Theo các chuyên gia thì việc quản lý hoạt động của môi giới BĐS hiện nay còn rất nhiều bất cập. Theo đó, thị trường BĐS đã chứng kiến những khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng. Thậm chí chỉ sau một đêm có hàng chục sàn, trung tâm môi giới BĐS mọc lên. Trong đó, có nhiều sàn, trung tâm môi giới BĐS đang hoạt động ngoài luồng, không đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, điều kiện của nhà môi giới BĐS dẫn đến nhiều hệ lụy trên thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng: “Sự thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến một bộ phận môi giới BĐS bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như găm đất, thổi giá, tạo “sốt ảo” gây lũng loạn thị trường. Thậm chí nhiều môi giới còn tiếp tay cho chủ dự án lừa đảo khách hàng gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của các chủ đầu tư chân chính”.
Đồng thời, ông Đính thừa nhận rằng, pháp luật hiện tại chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh tình trạng cá nhân tự ý gom đất, tách thửa dù hình thức đầu tư này góp phần tạo ra những cơn “sốt đất”, gây nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS. Bởi theo ông Đính, hiện tượng tự tách thửa đã bộc lộ nhiều bất cập, hệ lụy và cần phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ bởi hệ thống pháp luật. Do đó Chủ tịch VARS khuyến nghị nhà đầu tư thứ cấp cần cân nhắc và thận trọng khi xuống tiền bởi hình thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo thống kê mới nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trên cả nước hiện có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do nhưng có đến 90% không sở hữu kiến thức căn bản của người làm môi giới. Và ước tính hiện chỉ có 10% số môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề.
Các lô đất được rao bán trên thị trường BĐS chủ yếu thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tuy nhiên lập tức biến thành khu đất dự án đã được các Cơ quan cấp có thẩm quyền như UBND phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà ở, pháp lý đầy đủ qua lời giới thiệu của chủ đất… Đây những mánh khóe thường được các doanh nghiệp và cá nhân dùng để rao bán các dự án đất nền “ma”, là thực trạng hết sức đáng báo động khi những hậu quả để lại không thể lường được hết.
Cụ thể, trên các thửa đất quy hoạch, đất lúa, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, đất có pháp lý không rõ ràng… các doanh nghiệp và cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và những kẽ hở của pháp luật trong khâu quản lý đất đai tại chính quyền địa phương để tự ý vẽ ra các dự án “ma” nhằm chiêu dụ người dân nhẹ dạ, cả tin.
Để mọi việc trót lọt, những đối tượng này làm giả cả giấy tờ đất, phương án thẩm duyệt dự án, biên nhận hồ sơ của cơ quan cấp phép… Không ít người dính bẫy mua nền, góp vốn đã lâm cảnh nợ nần, trắng tay. Thực tế, những dự án “ma” vẫn đang tồn tại và có xu hướng tiếp tục gia tăng là bởi vì vẫn có nhiều người vẫn còn thiếu thận trọng và là nạn nhân của hình thức lừa đảo. Cụ thể là bộ phận người dân không nắm bắt được pháp lý, chỉ nghe những lời tư vấn, mời gọi đầu tư từ nhân viên BĐS.
Tổng Hợp