Trên thực tế, mỗi ngân hàng có khẩu vị rủi ro riêng và có thể không giải ngân đối với các khoản vay được cho là có rủi ro cao.
Trong khi đó, Thông tư 10 sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực bất động sản.
Song, cũng cần lưu ý rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp địa ốc. Chính sách tiền tệ nới lỏng cần hướng tới sự phát triển chung chứ không riêng lĩnh vực nào, nhưng nền kinh tế lại phụ thuộc lớn vào bất động sản, nên sự tăng trưởng bền vững chỉ đạt được khi các chính sách và môi trường kinh doanh lĩnh vực này được công khai, minh bạch và công bằng hơn.
Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp bất động sản dù chưa ở mức báo động, nhưng thanh khoản là vấn đề đáng lo khi thị trường trầm lắng kéo dài suốt thời gian qua.
Mặt khác, tín dụng bất động sản đang tập trung vào một số dự án có quy mô lớn, trong khi tổng thể số lượng dự án được cấp phép và đủ điều kiện kinh doanh đang giảm mạnh. Thực trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra rủi ro tập trung và có thể gây ra nguy cơ nợ xấu cao hơn trong tương lai, do đó có thể hiểu hàm ý kiểm soát rủi ro của Thông tư 06.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ nhìn nhận, việc dừng một số điều kiện vay như tại Thông tư 10 sẽ tạo điều kiện cho các đối tác của chủ đầu tư (bên thứ 3) vay vốn thông qua hợp tác kinh doanh. Trong bối cảnh hiện tại, việc hợp tác đầu tư, chia sẻ lợi ích và rủi ro với các đơn vị có tiềm lực tài chính là ưu tiên hàng đầu của các chủ đầu tư dự án.
Giám đốc một đơn vị phân phối lớn tại phía Bắc cho hay, với quy định mới, các sàn giao dịch có thể chủ động hơn nguồn vốn để tham gia hợp tác phân phối sản phẩm theo hình thức đầu tư thứ cấp – điều vẫn thường thực hiện trước đây, còn các chủ đầu tư có thêm dòng tiền để tiếp tục triển khai dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.
Thực tế, tại TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều nhà phát triển bất động sản lớn như Vinhomes, Masterise Homes, Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Phú Long… đã đồng loạt khởi động lại các dự án quy mô lớn. Trong đó, Vinhomes tung ra thị trường Khu căn hộ Glory Heights; Masterise Homes với dự án Masterise Centre Point tại quận 9; Hưng Thịnh chào thị trường dự án Avata Thủ Đức; Nam Long tung giai đoạn tiếp theo dự án Akari City, Mizuki Park với tiến độ bán hàng khá tốt…
Tại Đồng Nai và Bình Thuận, nhiều dự án lớn của Novaland như Aqua City, Novaworld Phan Thiết… cũng được khởi động trở lại. Ở khu vực miền Trung, một số dự án của Hưng Thịnh, Sun Group… cũng tái triển khai.
Tại Hà Nội, sự sôi động thể hiện qua số dự án mở bán tăng mạnh, có thể kể tới các dự án Capital Elite, The Charm An Hưng, Grand Sunlake, Rice City Thượng Thanh, Feliz Homes, Mê Linh Garden City, Imperia River View, Melody Residence – N03, Han Jardin, Sunshine Capital, Sunshine Wonder Villas, Sunshine Green Econic, Moonlight1, Hoàng Thành Pearl, Masterise Waterfront, Masterise West Heights, Epic Tower…
Hiện nay, thúc đẩy tín dụng là điều bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, giữa hai dòng nước ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Nếu vì sợ nợ xấu tăng mà không tăng trưởng tín dụng thì không được, còn “thả phanh” tín dụng cũng không ổn vì rủi ro không chỉ là tăng nợ xấu, mà còn là an toàn tài chính quốc gia. Thực tế đã có nhiều bài học, thậm chí đau đớn như trường hợp của SCB.
Chưa kể, một khó khăn kéo dài nữa mà chưa biết bao giờ giải quyết được, đó là ngân hàng đang phải gánh vai trò cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vừa qua, chúng ta đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ nhưng hiệu quả chưa đạt kỳ vọng, do đó cần thúc đẩy thị trường này phát triển để giải quyết bài toán vốn trung – dài hạn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Tổng Hợp
(ĐTCK)