Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được 446 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, trong đó chốt quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Chiều 17/6, với 446/458 đại biểu tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu), Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Một trong những điểm đáng chú ý là luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quy định này được đa số đại biểu Quốc hội tán thành.
Về một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của luật hiện hành, đồng thời đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu nhưng phương án này chỉ được số ít đại biểu lựa chọn.
Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày luật này có hiệu lực sẽ chấm dứt kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia giao dịch được thực hiện hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trước đó, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Liên quan quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Thủ tướng quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội khác”, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bỏ quy định này.
Có ý kiến cho rằng việc quy định mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật sẽ dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật.
Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
“Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành”, ông Thanh giải thích.