Không ít nhà đầu tư nghi ngờ, thậm chí còn biết rõ Cotton Fund không đáng tin nhưng vẫn không thể vượt qua những cám dỗ của Cotton Fund và “sập bẫy” đơn vị này.
Cám dỗ lãi suất
Để lấy được niềm tin của nhà đầu tư, Cotton fund đã thành lập nhiều công ty, mở văn phòng đại diện và chi nhánh thật ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời quảng cáo hình ảnh rầm rộ trên facebook và đặc biệt là sơ đồ trả lãi, hoa hồng “khủng” đánh thẳng vào tâm lý và túi tiền của nhà đầu tư.
Công ty thiết kế 5 gói đầu tư lớn, được ký hiệu từ Vip 1 đến Vip 5. Để cho nhà đầu tư có cơ hội trải nghiệm, lấy niềm tin. Vip 1 được thiết kế làm 6 mức đầu tư theo thứ tự tăng dần. Thấp nhất là 5 USD và cao nhất của Vip 1 là 400 USD. Lãi nhà đầu tư có thể rút về trong ngày từ 1 đến 8 USD. Chỉ cần có tiền là có thể đầu tư, mỗi ngày 1 tài khoản được mua tối đa 5 lần/gói đầu tư. Mỗi lần mua gói tại Vip 1 sẽ được điểm danh 1 lần và nhận về 0,15 USD, khoảng 3.500 đồng.
Gói Vip 2 được thiết kế 5 mức đầu tư theo thứ tự tăng dần. Thấp nhất là 600 USD và cao nhất là 6.000 USD. Lãi nhà đầu tư được rút về từ 13,2 USD đến 168 USD, tương đương khoảng từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng tiền lãi mỗi ngày.
Nhà đầu tư được mua tối đa 5 lần gói đầu tư trong ngày, điểm danh 1 lần và nhận về 0,5 USD, khoảng 12.000 đồng.
Gói Vip 3 từ 5.000 USD đến 30.000 USD, lãi từ 150 USD đến 1.080 USD, tương đương mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận được từ khoảng 3,5 triệu đồng đến 25 triệu đồng tiền lãi. Nhà đầu tư điểm danh một lần được 1,5 USD.
Gói Vip 4 từ 7.000 USD đến 30.000 USD, lãi từ 280 đến 1.500 USD, tương đương mỗi ngày nhà đầu tư rút về được từ 6,5 đến 35 triệu đồng. Cũng là hạn mức tối đa 30.000 USD nhưng lãi của Vip 4 cao hơn 10 triệu đồng so với Vip 3 vì có thêm tuyến dưới hoạt động. Ở Vip 4, mỗi lần điểm danh, nhà đầu tư được 5 USD.
Vip 5 từ 10.000 USD đến 50.000 USD, lãi từ 500 đến 3.000 USD/ngày, tương đương nhà đầu tư có thể rút về khoảng từ 12 triệu đồng đến hơn 70 triệu đồng. Mỗi người có thể mua 5 lần một gói đầu tư trong một ngày, điểm danh một lần được 15 USD (khoảng gần 350.000 đồng).
Chưa hết, nhà đầu tư còn được thưởng hoa hồng đến 3 cấp tương đương 12% – 6% – 3% nếu tuyển được người vào đầu tư chung. Cụ thể, nếu anh A tuyển được chị B, chị B tuyển được anh C và anh C tuyển được chị D, thì B là F1 của A, C là F2 của A và D là F3 của A. Nếu B đầu tư lãi 100 USD thì A được 12 USD, C đầu tư lãi 100 USD thì A được 6 USD, D đầu tư có lãi 100 USD thì A được 3 USD.
Sơ đồ trả lãi quá cao cộng chế độ hoa hồng tuyển dụng hấp dẫn của mô hình trên đã khiến không ít nhà đầu tư bất chấp rủi ro mà lao vào Cotton fund như con thiêu thân.
Anh D. ở Thanh Hóa kể, anh D. làm liều giấu vợ con thế chấp miếng đất được 1,7 tỷ đồng. Tất cả số tiền trên được anh dồn đầu tư vào Cotton fund. Đến hôm qua (4/10), anh D. cho biết anh đã bị “bay mất miếng đất rồi”.
Tại trụ sở chính của Cotton fund sáng 4/10 cho thấy, địa chỉ 104 Mai Thị Lựu phường Đa Kao, quận 1, TPHCM theo đăng ký trên giấy tờ là trụ sở của một công ty vận tải, không thấy có bảng hiệu của Cotton fund, công ty mở cửa nhưng tắt điện và không thấy có người ra vào tại địa chỉ này.
Theo nguồn tin, thực chất các văn phòng và chi nhánh này không có người trực, chỉ làm “cho có” vì công ty không gặp trực tiếp nhà đầu tư. Đội ngũ nhân viên, chăm sóc khách hàng được đào tạo về tâm lý nhà đầu tư và cách thuyết phục họ tham gia một cách bài bản. Đầu tiên, mỗi người cần tạo ra từ 7 đến 8 nick facebook ảo để tiếp cận các “con mồi”. Với những “vũ khí hạng nặng” được trang bị kỹ lưỡng như trên, cộng với cách thiết kế các gói đầu tư từ nhỏ đến lớn, hoa hồng hấp dẫn, kèm cơ chế trả lãi gấp hàng trăm lần ngân hàng, không ít nhà đầu tư đã sập bẫy.
Chủ công ty chuyên sản xuất các loại app trong đó có app Cotton fund là người Trung Quốc. Họ sang Campuchia, Philippines, Singapore – những nơi có luật pháp cởi mở hơn với cờ bạc để thành lập công ty, tuyển dụng nhân sự ở nhiều quốc gia và hoạt động ở nhiều thị trường.
Tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra cảnh báo về app đa cấp, lừa đảo, người dân khá cảnh giác nên theo nguồn tin kể trên, phía công ty đánh giá Việt Nam là thị trường “khó làm” hơn những nơi khác. Vì thế mà kế hoạch của đơn vị này có phần bài bản hơn.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Cotton Fund có mã số thuế là 0317315009 do Chi cục Thuế quận 1, TPHCM quản lý. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sợi. Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 30/5/2022, địa chỉ trụ sở tại 104 Mai Thị Lưu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Người đại diện pháp luật là Doãn Văn Phúc. Vốn điều lệ trong giấy phép kinh doanh của công ty là 36 tỷ đồng.
Ngoài công ty có trụ sở tại 104 Mai Thị Lưu, phường Đa Kao, quận 1 kể trên, Cotton fund còn có một văn phòng đại diện Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Cotton fund tại địa chỉ phòng 205, tầng 2, tòa nhà VietPhone Building, 64 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.
Nhân viên công ty này còn tiếp cận với khách hàng tại các tỉnh. Theo một giám đốc chi nhánh của Cotton fund tại Hưng Yên, việc tuyển người đại diện chi nhánh khá đơn giản. Bất kỳ ai, chỉ cần quay video nói tốt về Cotton fund, truyền thông với nội dung Cotton fund là app uy tín giúp cho bản thân người đó và người thân kiếm được nhiều tiền thì người quay sẽ được trả ngay 10 USD (tương đương khoảng 230.000 đồng). Sau đó, nhân viên công ty sẽ hỏi thông tin cá nhân và nếu thấy đối tượng là người uy tín tại địa phương, nhân viên sẽ nói “anh/chị rất thích hợp làm giám đốc khu vực của công ty em” và cam kết trả lương hàng tháng là 30 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng nếu làm tốt.
Nghe thấy tự nhiên có món hời từ trên trời rơi xuống, không mấy người lắc đầu. Chỉ cần gật đầu, gửi căn cước công dân 2 mặt cho nhân viên, 2 tuần sau thì những người này tự nhiên sẽ nhận được giấy phép kinh doanh đăng ký ủy quyền chi nhánh của Cotton fund được gửi về tận nhà.
Bằng cách đó, hàng loạt chi nhánh của Cotton fund được thành lập. Điểm chung là các chi nhánh đều mới đi vào hoạt động từ tháng 8, tháng 9 năm nay.
Đầu tiên là chi nhánh Lào Cai, hoạt động ngày 30/8/2022, do Chảo Láo Sử làm người đại diện pháp luật. Sau đó là đến chi nhánh Đồng Nai, hoạt động ngày 7/9/2022, do Lưu Đức Tiến đại diện pháp luật.
Tiếp theo là chi nhánh Đắk Nông, hoạt động ngày 9/9/2022, do Trịnh Hoài Thu làm đại diện pháp luật. Chi nhánh Hải Dương hoạt động ngày 12/9/2022, do Nguyễn Đức Quang làm đại diện pháp luật. Chi nhánh Sơn Tây Hà Nội, hoạt động ngày 12/9/2022, do Bùi Thị Lan Anh làm đại diện pháp luật. Chi nhánh Hưng Yên, hoạt động ngày 16/9/2022, do Đào Ngọc Quang làm đại diện pháp luật. Chi nhánh Bắc Ninh, hoạt động ngày 22/9/2022, do Trần Thị Thu Huyền làm đại diện pháp luật. Chi nhánh tại Bắc Giang hoạt động từ ngày 28/09/2022, do Nguyễn Thị Kim Duyên làm đại diện pháp luật.
Nguồn tin cho biết, Lào Cai là chi nhánh đầu tiên được thành lập nên cần khai trương thật rầm rộ để lấy hình ảnh cho nhân viên đăng fanpage. Fanpage này được công ty đầu tư bài bản, mua với giá cao để có sự hoạt động ổn định và uy tín.
Ngoài khai trương tưng bừng, công ty còn bơm tiền cho chi nhánh Lào Cai đi làm từ thiện để chứng tỏ công ty làm ăn tốt và có trách nhiệm xã hội. Chưa hết, công ty còn bỏ tiền thiết kế mũ, áo mang thương hiệu Cotton fund. Còn các chi nhánh ở địa phương khác, thậm chí cả công ty hay văn phòng đại diện chỉ đăng ký cho có, để khi nhà đầu tư nghi ngờ, họ tra trên mạng thấy hàng loạt chi nhánh được thành lập, niềm tin sẽ được củng cố hơn.
Thực chất các văn phòng và chi nhánh này không có người trực, chỉ làm “cho có” vì công ty không gặp trực tiếp nhà đầu tư.
Tổng Hợp