Trong một dự báo vào tháng 1/2022, Bloomberg cho rằng lạm phát tại Việt Nam năm nay có thể tăng vọt lên 3,45%, tức mức tăng nhanh bậc nhất so với các nền kinh tế châu Á khác trong bối cảnh áp lực nhập khẩu lạm phát và tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục.
Dự báo này được đưa ra trước cả khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ gây thêm sức ép cho lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi sức ép từ chiến sự ở Ukraine khiến giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới, từ dầu thô cho đến kim loại, lương thực thực phẩm tăng vọt; mục tiêu kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đang bị đặt trước nhiều thách thức.
Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng, tìm kênh trú ẩn. Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán… và tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm.
Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư cũng đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư. Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm nhưng kênh tiết kiệm vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì mức thấp. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư “tiền ít” và khẩu vị rủi ro thấp.
“Mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm vừa qua đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm như trước kia. BVSC dự báo tăng trưởng tiền gửi dân cư vẫn thấp trong năm nay khi người dân có nhiều sự lựa chọn đầu tư với mặt bằng lãi suất còn ở mức thấp”, báo cáo của BVSC đề cập.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022 dòng tiền sẽ tiếp tục tăng mạnh vào bất động sản, bất chấp lạm phát tăng, chủ yếu vẫn là thị trường đầu cơ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng chốt lời chứng khoán và đổ tiền sang bất động sản. Đối với kênh đầu tư cổ phiếu, mặc dù cho rằng thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều dư địa nhưng theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS đánh giá năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn. Điều này có thể hiểu được bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng. “Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số đều không làm được do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa, nên cứ gồng lãi, đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp. Thực sự, sau khi tăng khủng khiếp, giá vàng đã “quay xe”. Cú quay xe này đã khiến nhiều người “ngã ngựa” vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên”, ông Hiếu nhấn mạnh.
TS.Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2021 nhưng bước sang năm nay, các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay. Điều này làm ông Thành lo ngại, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.
Tổng Hợp