Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2020, các tổ chức kinh tế đã rút ròng tới hơn 191.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng, gấp đôi mức rút ròng cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 4,84% so với cuối năm 2019, còn hơn 3,96 triệu tỷ đồng.
Mức rút ròng này tương đương hơn 191.000 tỷ đồng, gấp đôi mức rút ròng cùng kỳ năm 2019.
Trái ngược, tiền gửi của dân cư tăng khá với 3,91%, vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.
Dù vậy, tổng tiền gửi khách hàng của hệ thống ngân hàng vẫn giảm nhẹ 0,035% trong 2 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tổng phương tiện thanh toán lại tăng 0,94%, phần nào do tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong xã hội tăng lên.
Bên cạnh số liệu tiền gửi và tổng phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố chi tiết tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 0,17%, dư nợ theo đó đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng.
Đi sâu hơn, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất là ở nhóm ngành Vận tải và Viễn thông với 3,38%. Tuy vậy, đây là ngành có quy mô dư nợ khá khiêm tốn với chỉ 229 nghìn tỷ đồng.
Nhóm ngành Xây dựng cũng tăng trưởng cao hơn đáng kể bình quân chung với 1,2%, đạt hơn 810 nghìn tỷ đồng. Kế đến là nhóm ngành Công nghiệp với 0,82%, đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng.
Các nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm bao gồm Thương mại (-0,9%) và Nông lâm ngư nghiệp (-0,09%), nhiều khả năng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Còn lại các hoạt động dịch vụ khác tăng trưởng tín dụng 0,04%.
Trong cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,19%).
Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan này, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch vào khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu tập trung ở các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu; Khai khoáng tập trung chủ yếu vào than, dầu thô, quặng kim loại; Công nghiệp chế biến – chế tạo tập trung ở ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, xi măng, chế biến gỗ; Các dự án BOT, BT giao thông.
Cùng với đó là các ngành Kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng; Vận tải; Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Giáo dục và đào tạo; Hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khỏe, giặt là, cắt tóc, hiếu hỉ….
Nguồn VietnamFinance: https://vietnamfinance.vn/cac-to-chuc-kinh-te-rut-rong-hon-191000-ty-dong-khoi-ngan-hang-trong-2-thang-dau-nam-20180504224237392.htm