Làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ hai cực hút Hà Nội và TP.HCM về các khu vực vùng ven hoặc các tỉnh để tìm cơ hội mới đã dần tăng nhiệt từ năm 2019 đến nay. Tác động của dịch Covid-19 càng đẩy mạnh quá trình này, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung tại thị trường Hà Nội và TP.HCM giảm mạnh.
Trên thực tế, thị trường bất động sản nhiều địa phương đã ghi nhận tình trạng sốt đất cục bộ, giới đầu cơ gom đất, thổi giá khi có thông tin quy hoạch, gây rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời giảm tính lành mạnh của thị trường bất động sản địa phương. Mặt khác, khi giá bị đẩy lên cao còn khiến các doanh nghiệp lớn rời bỏ, không tiếp tục nghiên cứu dự án đầu tư, địa phương mất đi cơ hội phát triển.
Lý do là quỹ đất tại các thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, thủ tục pháp lý khó khăn. Bên cạnh đó, các thị trường này đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư được định giá rất cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn các chủ đầu tư. Để có bước phát triển mới, các doanh nghiệp bất động sản phải hướng đến những vùng đất mới tiềm năng hơn.
Hơn nữa, kết nối hạ tầng giao thông ở các địa phương trên cả nước đang phát triển rất mạnh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tỉnh.
Sự nóng lên của thị trường bất động sản tại các tỉnh là quy luật tất yếu, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó phải là sự đầu tư bài bản từ chất lượng hạ tầng đến chất lượng đô thị, hướng tới sự phát triển dài hạn, bền vững thay vì tình trạng sốt nóng, đầu tư chộp giật, ngắn hạn.
“Bất kỳ một sàn giao dịch nào mọc lên tại địa phương, các cơ quan quản lý đều phải kiểm tra cụ thể xem sàn giao dịch đó đã đăng ký kinh doanh chưa, có đủ điều kiện hoạt động hay không, nhân viên môi giới có đầy đủ chứng chỉ hoạt động và dự án do sàn đó phân phối có đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật.
Các địa phương quản lý chặt chẽ được các vấn đề này chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều các nhà đầu tư, môi giới tung tin không đúng về thị trường bất động sản, gây sốt ảo để lừa dối khách hàng, gây rủi ro cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay.
Ở khu vực phía Nam, các địa phương vùng ven như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng hội tụ hàng loạt dự án đang rục rịch hoàn thiện thủ tục cấp phép, đầu tư để triển khai.
Nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh… đã có sự xuất hiện của những tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Danko, Novaland… với nhiều dự án bất động sản được đầu tư bài bản.
Tại các địa phương này, doanh nghiệp phát triển dự án có thể nhận được nhiều ưu đãi, cơ hội từ chính sách thu hút đầu tư. Thêm nữa, chi phí thuê đất hay đền bù, giải phóng mặt bằng cũng giảm đáng kể giúp chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất rộng lớn tại những khu vực đắc địa.
Báo cáo thị trường năm 2020 của CBRE cho thấy, nguồn cung mở bán dự án mới tại khu vực trung tâm giảm 52%, trong khi đó giá bán tăng 3%. Lượng cung ở khu vực trung tâm hạn chế đã thúc đẩy làn sóng đầu tư tràn về vùng ven, nơi quỹ đất lớn tạo điều kiện cho sự hình thành của các dự án có quy mô, đầu tư bài bản và chất lượng sống cao.
Quỹ đất lớn, dư địa phát triển dồi dào, nhu cầu tăng mạnh là những yếu tố không thể bỏ qua khi xác định một cuộc đầu tư đang trở thành cú hích để thị trường bất động sản các địa phương trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Cùng với quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp, các khu đô thị mới với hạ tầng đồng bộ, đa dạng tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương các tỉnh được triển khai đang tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư và người mua ở thực.
Đồng thời, những khu đô thị hiện đại, khang trang khi được hoàn thiện cũng góp phần làm thay đổi diện mạo của các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.