Các thương vụ M&A sẽ giải quyết vấn đề thiếu vốn của các doanh nghiệp trong nước và giúp nhiều dự án được hoàn thành với điều kiện đi kèm là các vấn đề về pháp lý phải được xử lý.
Trong khi đó, với doanh nghiệp nước ngoài, cách để thiết lập chỗ đứng nhanh nhất tại Việt Nam là thực hiện M&A dự án. Thông qua các giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài có thể mở rộng quỹ đất với thời gian nhanh nhất có thể ở thị trường trong nước.
Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Đây là lý do các doanh nghiệp địa ốc và quỹ đầu tư nước ngoài tận dụng thời điểm thị trường nội địa giảm tốc để gia tăng thị phần.
Ông David Jackson tiết lộ, Colliers Việt Nam đang tiếp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu, với các tài sản đáp ứng nhu cầu thực được tích cực nhắm tới. Theo đó, các thương vụ M&A dự án sẽ diễn ra theo hướng tích cực với những yếu tố mới. Điều này kỳ vọng cải thiện nguồn cung tương lai, đem đến nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng cho thị trường địa ốc. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để doanh nghiệp ngoại hợp tác với doanh nghiệp nội nhằm tận dụng tối đa thế mạnh am hiểu chính sách và quy trình hoàn thiện thủ tục pháp lý tại Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý đang là mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan…, chỉ số ít doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực tài chính để tham gia “cuộc chơi”, nếu có cũng chủ yếu là các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.
“Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail… là những tên tuổi nước ngoài đã và đang tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp. Với khối nội, bên cạnh doanh nghiệp trong ngành, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng đang có kế hoạch lấn sân sang bất động sản”, báo cáo của VARS nêu rõ.
Một điểm đáng lưu ý, thời gian gần đây, bên cạnh các dự án bất động sản hiện hữu, nhiều quỹ ngoại còn quan tâm tới mảng cung cấp dịch vụ hậu cần cho các nền tảng Proptech (công nghệ bất động sản). Chẳng hạn, vào cuối tuần qua, Meey Land đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Alamat Capital – một quỹ đầu tư đến từ Singapore.
“Với nhu cầu phát triển nhanh, công nghệ sẽ được ưu tiên trong việc hoạch định phát triển dự án cũng như cung ứng các dịch vụ hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà và cả cơ quan quản lý”, ông Mark Forsyth – Chủ tịch Alamat Capital nhấn mạnh.
Thực tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhờ nền kinh tế – xã hội ổn định, tỷ lệ dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa ở mức cao. Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo rằng, hiện có nhiều quỹ ngoại với tiềm lực tài chính mạnh đang chờ cơ hội thâu tóm các dự án tốt do các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn về dòng tiền dẫn tới buộc phải bán ra. Điều này tiểm ẩn nguy cơ đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.
Do đó, trong trường hợp này, Chính phủ cần can thiệp trực tiếp bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ mua lại các trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn và thời gian dài hơn để người dân yên tâm đối với tiền vốn đã mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời chuyển các khoản nợ này cho các tổ chức quản lý nợ như DATC, VAMC quản lý và kiểm soát hoạt động của các dự án đến khi thu hồi được vốn.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc thâu tóm các dự án đã đi vào hoạt động, thậm chí cả dự án đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, điều hiếm khi xảy ra trước đây.
Tổng Hợp
(ĐTCK)