Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, các phương án định giá đất đai còn tồn tại nhiều vấn đề. Nếu định giá đất không chuẩn sẽ tiềm ẩn rủi ro, gây ra hệ luỵ.
Ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường – chủ trì hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tổ chức ngày 8/3, ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến từ DN để có chính sách phù hợp trong tiếp cận đất đai. Lần sửa đổi này, ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của DN nhỏ và vừa về việc thiết kế đã mở ra chính sách để tạo điều kiện tiếp cận đất đai tốt hơn hay chưa? DN kinh doanh, đầu tư BĐS có gặp vướng mắc bất cập cần sửa đổi.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI – cho biết, quy định pháp luật đất đai bộc lộ bất cập như tài chính đất đai, quyền của DN sử dụng đất, công trình ngầm trên không, thủ tục hành chính… Tất cả đặt ra bài toán mới cho phát triển bền vững đất nước, an tâm cho DN. Phát triển đất đai là chìa khoá cho phát triển đất nước.
Đại diện Công ty TNHH VSIP Hải Phòng cho biết, dự thảo bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất hàng năm. Cùng với đó, bảng giá đất được quy định áp dụng để tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Quy định này có thể giúp cho giá đất tiệm cận với giá thị trường, minh bạch hóa thị trường giao dịch bất động sản nhà ở riêng lẻ… Tuy nhiên, đối với DN kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm sẽ phải chịu rủi ro và gánh nặng về chi phí thực hiện dự án khi giá đất trên thị trường biến động liên tục (hoặc có sự thay đổi lớn qua từng năm).
VSIP Hải Phòng kiến nghị cần có cơ chế xác định tiền thuê đất đối với hình thức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp hơn, đảm bảo tính ổn định của thị trường bất động sản và quyền lợi của nhà đầu tư.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, có dự án kéo dài 8 năm chưa xong giải phóng mặt bằng và ở tình trạng “xôi đỗ”. Nguyên nhân thực trạng này do Luật Đất đai chưa quy định rõ đền bù hoa màu đất nông nghiệp và hoa màu trên đất dịch vụ. Hiện nay, nhiều người dân nhầm lẫn giữa đền bù hoa màu và đền bù giá đất.
“Đề xuất quy định thu hồi đất là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp (DN) và người dân, DN bất động sản không thể làm được. Bởi mỗi dự án cần phải thoả thuận với hàng trăm, hàng nghìn người dân. Quy định này nếu áp dụng sẽ tiêu diệt DN bất động sản. Tôi đề xuất, cơ chế đền bù nhà nước phê duyệt để chính xác và không thiệt thòi người dân”, ông Hiệp kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG – đề xuất Luật nghiên cứu việc không thu hồi đất giá đất mà cho phép người sử dụng đất thực hiện dự án phù hợp quy hoạch. Người có đất phù hợp quy hoạch và quy định khác được đề xuất thực hiện dự án và có quy định để họ nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Giá đất đai là tài nguyên lớn nhất của đất đai nhưng phải phù hợp, ổn định. Ví dụ, ông có nhà ở ngã tư giá cao lại lấy chuẩn tham chiếu khi tính giá đất không công bằng. Nhiều DN không đưa mảnh đất chuyển đổi mục đích vì sợ khi đưa ra đấu giá sẽ thua với “đại gia” vào đấu giá. Luật Đất đai sửa đổi cần tháo gỡ vướng mắc luật cũ, thay đổi, cải thiện thu nhập của tổ chức kinh tế và người dân. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề điều chỉnh phù hợp”, bà Nga kiến nghị.
Đáp lại ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, việc đề xuất nhà nước hỗ trợ DN trong thoả thuận bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án chưa đúng với quy định của Hiến pháp.
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, các phương án định giá đất đai còn tồn tại nhiều vấn đề. Nếu định giá đất không chuẩn sẽ tiềm ẩn rủi ro, gây ra hệ luỵ.
“Chúng ta thừa nhận, trong giá đất, giá thị trường chỉ thể hiện khi có quan hệ mua – bán nhưng quản lý đất đai không thể theo điều này mà phải đảm bảo tính ổn định để giá đất không quá cao, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Chúng ta phải làm sao điều hoà giá trị gia tăng từ địa tô, không chỉ cho người dân sử dụng đất mà đòi hỏi công bằng cho nhà nước khi giải phóng mặt bằng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)