Dù thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận định còn nhiều dư địa phát triển.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị thu hút bởi ba động lực chính của Việt Nam, bao gồm tầng lớp trung lưu đang phát triển, mức sống ngày càng cao, dẫn đến khả năng chi trả ngày càng tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Ngay cả với những “cơn hắt hơi” của nền kinh tế toàn cầu và khu vực trong năm 2021-2022, mối quan tâm này đối với Việt Nam vẫn không thay đổi, đặc biệt là đối với các tài sản công nghiệp. Tuy nhiên, vào năm 2023, giá trị đất đai và nhà ở tại Việt Nam sẽ được điều chỉnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng thời mà giá bất động sản chỉ biết tăng trong 8 năm qua cuối cùng sẽ giảm trong năm nay. Thị trường hiện tại khó khăn với tất cả các nhà đầu tư. Phần lớn các nhà phát triển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đang khá thận trọng và ít bị ảnh hưởng bởi doanh số bán hàng chậm lại và chính sách thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng, một phần vì họ có khả năng tiếp cận với nguồn vốn từ nước ngoài.
Lực lượng lao động trẻ, năng động, có trình độ và giá nhân công phải chăng đang khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Tuy nhiên, một số yếu tố đang ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, bao gồm việc chậm trễ phê duyệt và thực thi dự án, lãi suất trên đà tăng và tín dụng bị kiềm chế, chi phí xây dựng tăng và sự bùng nổ giá cả thị trường trong vài năm qua.
Thêm vào đó, nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng các dự án của họ, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam. Điều này đã có tác động rõ rệt đến lĩnh vực bất động sản. Nói như vậy để thấy, đóng góp của ngành bất động sản vào GDP của Việt Nam quan trọng đến mức thị trường cần được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tránh tác động trực tiếp và gián tiếp đến hàng trăm ngành khác và toàn bộ nền kinh tế.
Báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á – Thái Bình Dương năm 2023, do Công ty tư vấn bất động sản CBRE công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, TP.HCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới. Đặc biệt, TP.HCM lần đầu tiên xếp thứ ba chung cuộc, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả Australia.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với tốc độ đô thị hóa dự báo đạt tỷ lệ 42% vào năm 2025, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển bất động sản rất lớn. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Điển hình, các nhà đầu tư Singapore đã bắt đầu năm mới 2023 với một số thương vụ quy mô lớn.
Theo đó, Keppel Land, nhà phát triển với danh mục hơn 20 dự án, tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD trên toàn thế giới, vào đầu tháng 2/2023 đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Khang Điền để hợp tác phát triển các dự án khu dân cư cũng như phát triển đô thị bền vững tại TP.HCM.
Ông Louis Lim, Giám đốc điều hành Keppel Land xác nhận, Tập đoàn cam kết mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, một thị trường trọng điểm mà họ nhận thấy có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Tương tự, Sembcorp Development cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Becamex IDC về việc hợp tác phát triển 5 khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Các khu công nghiệp này sẽ được xây dựng theo các tiêu chí đáp ứng những tiêu chuẩn xanh, thông minh và bền vững, sử dụng công nghệ 4.0 để quản lý.
Báo cáo Bất động sản Việt Nam: Góc nhìn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á của Tập đoàn PropertyGuru phát hành tháng 1/2023 đã nhận định, chính sách kinh tế mở và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam đã tạo ra khả năng tăng trưởng to lớn cho các nhà sản xuất. Do đó, chuỗi cung ứng bền vững sẽ là chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam và tăng sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo báo cáo này, nếu hạ tầng giao thông cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay được mở rộng và hoàn thiện, thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn hơn đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành kinh doanh bất động sản đang đứng thứ hai trong danh sách những ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022, với số vốn hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)