Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Các ngân hàng tư nhân sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% và có sự điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cũng như hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bởi khi doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng thì sẽ có dòng tiền trả nợ ngân hàng, qua đó trở lại chu kỳ tuần hoàn và chu chuyển vốn bình thường, phục hồi tăng trưởng vững chắc cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Theo cuộc điều tra được NHNN tiến hành cho thấy, các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021. Có tới 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Tuy vậy, vẫn có 15,2% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm”. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2022 của các tổ chức tín dụng cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều lạc quan với tình hình kinh doanh quý tới. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong Quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo ở mức 13-15% trong năm 2022 nhờ cầu tín dụng cải thiện mạnh mẽ. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành. Cũng theo VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng có sự phân hóa rõ nét với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân khi tiếp tục tiết giảm được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% trong năm có thể kể đến là TCB, ACB, MSB, TPBank (mã TPB), MBBank (mã MBB) và BIDV (mã BID).
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính, VietinBank có thể ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn. Hiện lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VietinBank vẫn duy trì sự khả quan, riêng quý III/2021 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại HDBank (mã HDB), doanh thu phí đã tăng trở lại trong quý cuối năm 2021, đặc biệt từ hoạt động bancassurance. Theo đó, lợi nhuận năm 2021 và 2022 dự báo đạt lần lượt 7.800 tỷ đồng và 9.400 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 33% và 21%). Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán SSI, kết quả này có thể chưa bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng độc quyền bancassurance trong năm 2022. Ngoài ra, SSI cho rằng, thương vụ phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi sẽ tiếp tục tạo tâm lý tích cực đối với nhà đầu tư trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, không chỉ thu thuần từ hoạt động chính tăng, nhiều nhà băng còn lãi lớn từ mảng dịch vụ, trong đó đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance).
Với ACB (mã ACB), Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ACB năm 2022 đạt 11.700 tỷ đồng trước thuế, tăng 25% so với năm 202; ROE 2022 kỳ vọng ở mức 23%, cao hơn so với ROE trung vị ngành là 20%; tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 15%. Mục tiêu lợi nhuận ACB đưa ra cho năm 2021 mức 10.602 tỷ đồng lãi trước thuế và Ngân hàng đã thực hiện được 85% chỉ tiêu sau 9 tháng khi đạt 8.968 tỷ đồng.
Tại Techcombank (mã TCB), lợi nhuận trước thuế 2 năm 2021 và 2022 ước đạt tương ứng 23.010 tỷ đồng và 29.357 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 46% và 28%). Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021 của Techcombank ở mức 5.913 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.
Tại VIB (mã VIB), ông Hoàng Linh, Phó giám đốc tài chính Ngân hàng cho hay, thu nhập lãi thuần và NIM của VIB sẽ cải thiện ngay trong quý IV/2021 khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Còn lãnh đạo VPBank cho biết, mảng bán lẻ và vay tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại trong quý IV/2021 để đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh năm 2021, cùng với chiến lược chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022 cũng như những năm tới.
Năm 2022, MSB (mã MSB) đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25% tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng. Chiến lược tập trung chuyển đổi số tiếp tục được MSB đẩy mạnh trong năm 2022 với mục tiêu cải thiện chi phí, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hướng tới mốc 40.000 tỷ đồng năm 2023.
Tổng Hợp