Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu bất động sản đang có chiều hướng gia tăng, các ngân hàng rao bán loạt bất động sản tại Tp.HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Mới đây, ngân hàng Agribank Chi nhánh Trung Tâm Sài Gòn thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là 20 thửa đất vườn tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, Tp.HCM với tổng diện tích 25.558 m2, tổng giá khởi điểm hơn 51 tỷ đồng.
Đầu tháng 11/2023, ngân hàng VietinBank chi nhánh Bến Lức thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay của 12 cá nhân. Cụ thể, đó là 24 thửa đất (mục đích sử dụng chủ yếu là đất ở lâu dài và đất trồng cây lâu năm) có tổng giá khởi điểm hơn 824 tỷ đồng tại Tp.HCM và một số khu vực phụ cận như Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Cùng thời điểm, Vietcombank Chi nhánh Bà Rịa thông báo phát mại tài sản bảo đảm của CTCP Diamond Key Holding. Cụ thể gồm ba quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 10.400 m2 tại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Các thửa đất này được định giá hơn 19 tỷ đồng, giá khởi điểm rao bán hơn 15,5 tỷ đồng…
Tương tự, ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân mới đây đã thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là các bất động sản. Cụ thể là ba quyền sử dụng đất (đất trồng cây lâu năm) tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tài sản được đem ra đấu giá lần thứ 5 với tổng giá khởi điểm hơn 5,4 tỷ đồng; thửa đất rộng hơn 140 m2 (đất ở nông thôn) xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (giá khởi điểm đấu giá lần 7 là 6,9 tỷ đồng). Ngoài ra còn có một thửa đất rộng 225 m2 (đất ở đô thị) tại Khu phố 2, Phường Hiệp Bình Phước, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM).
Theo dữ liệu từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên, tổng nợ xấu là 219.747 tỉ đồng, tăng đến 34% so với đầu năm nay. Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng chỉ tăng 10%, ở mức 225.327 tỉ đồng.
Vì tỷ lệ tăng của nợ xấu cao hơn tỷ lệ tăng của dự phòng rủi ro nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng giảm đáng kể. Đây là chỉ số được được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Đi qua nửa năm, có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm, tốc độ giảm bình quân 27 điểm phần trăm.
MB là ngân hàng giảm mạnh nhất từ từ 238% xuống còn 156,1% (82 điểm phần trăm), kế đến là TPB giảm từ 135,1% về 60,9% (74 điểm phần trăm), BIDV từ 216,9% về 152,6% (giảm 64 điểm phần trăm)… Chỉ có 5 ngân hàng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là Vietcombank Kiên Long Bank, SHB, BaoVietBank và Vietbank.
Việc trích lập dự phòng giúp ngân hàng phần nào đối phó với rủi ro nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Nếu tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại phần lớn ngân hàng duy trì ở mức trên 100% cho thấy các ngân hàng đã trích đủ dự phòng. Trường hợp xấu nhất, nếu chuyển sang nhóm nợ xấu không thể thu hồi thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Vào cuối năm ngoái, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất đều vượt ngưỡng 100%. Tuy nhiên, qua nửa đầu năm nay, hai vị trí cuối cùng trong Top 10 là SeABank và LPBank đã không còn đạt được tỷ lệ bao phủ trên 100%.
Dù hiện tại nợ xấu đang được hỗ trợ bởi chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế nhưng các số liệu vẫn cho thấy nợ xấu đang tăng trưởng vượt ngưỡng. Trong đó, bất động sản đang được cảnh báo lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất khi thị trường suy yếu khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhất.
Thông tin tại hội thảo về vốn cho doanh nghiệp mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như thời điểm tháng 6-2022, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này là 1,53% thì đến nửa đầu năm nay tăng gần gấp đôi, với 2,47%,.
Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản đang được hỗ trợ nhiều từ Thông tư 02/2023 của NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại.
Vì vậy, khi thông tư hết hiệu lực, nợ xấu chắc chắc sẽ còn tăng cao. Trong trường hợp ngân hàng không giãn nợ thì việc nhảy nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh và tình hình nợ xấu sẽ xấu đi rất nhanh so với con số công bố ở hiện tại.
Tổng Hợp