Trong cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thừa nhận, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng đang tồn kho tiền.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biên pháp nhưng việc cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn. “Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. Đây là vấn đề rất khó”, Phó thống đốc nói.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 29/8 cho thấy, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%. Còn theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19, thậm chí trong giai đoạn đỉnh điểm dịch Covid, cung tiền còn tăng trưởng lần lượt 3,48% và 4,59%
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, hiện tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1 khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt dù ngân hàng thương mại dư thừa.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng lưu ý, “vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm”.
Thực tế, trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Doanh số tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng. So với hạn mức tín dụng được giao, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.
Ở chiều ngược lại, dù lãi suất huy động giảm nhanh nhưng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng mạnh. Trong tháng 6/2023, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ đồng so với tháng 5. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 1/2021 đến nay, Đáng chú ý, nguồn tăng lớn nhất trong tháng 6 thay vì đến từ dân cư như những tháng trước thì lần này lại chủ yếu đến từ các tổ chức kinh tế. Trong tháng 6/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh so với tháng trước thêm hơn 235.000 tỷ đồng đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng 0,51% so với cuối năm 2022. Tổng tiền gửi của dân cư tăng 8,82% so với cuối năm trước, tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Tiền gửi tiếp tục đổ vào các ngân hàng, nhất là từ các tổ chức kinh tế cho thấy triển vọng không mấy khả quan từ các kênh đầu tư khác. Điều đó khiến cho thấy, dòng tiền thông minh đi tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn và một trong các kênh được ưa chuộng đó là tiền gửi ngân hàng. Thậm chí, gần đây khi chứng khoán đã sôi động trở lại, tiền gửi dân cư tháng 6 vẫn tăng.
Đến cuối tháng 8/2023, các ngân hàng đã có ít nhất 4 đợt giảm lãi suất với mức giảm 3% – 4%, so với cao điểm cuối 2022. Mức lãi suất cao nhất chỉ còn 7%. Trong khi đó, dự báo của các tổ chức tài chính đều cho rằng, Ngân hàng nhà nước sẽ có thêm một lần cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, sớm nhất trong quý III/2023 và chậm nhất là đầu 2024. Qua đó, lãi suất điều hành sẽ trở về mức thấp trước Covid-19.
Dù xu hướng giảm lãi suất khó đảo ngược nhưng theo TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Khối chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, hiện nay các kênh truyền thống như bất động sản, chứng khoán và vàng chưa có tín hiệu tích cực rõ rệt. Từ đầu năm, bất động sản gặp khó về thành khoản, giá vàng đi ngang, chứng khoán giao dịch trầm lắng thì việc gửi tiết kiệm vẫn là phương án được người dân và doanh nghiệp lựa chọn.
Dẫu vậy, với sự sôi động gần đây, chứng khoán được kỳ vọng sẽ sớm hút nguồn vốn lớn trở lại. TS Lê Anh Tuấn đánh giá, chứng khoán được hưởng lợi nhờ các động lực đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng, tài khóa mở rộng, lãi vay giảm, đầu tư công tăng và định giá thị trường còn hấp dẫn.
Theo công bố mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 188.298 tài khoản trong tháng 8/2023. Con số này tăng gần 38.000, tương ứng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 liền trước và là mức cao nhất trong vòng hơn một năm kể từ tháng 7/2022. Tính đến cuối tháng 8, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng gần 8% dân số. Trong khi đó, VN- Index đã có chuỗi phiên tăng giá ấn tượng, đưa chỉ số lên mức 1.245 điểm vào 6/9. Đây cũng là mốc cao nhất năm. Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh, riêng sàn HoSE nhiều phiên liên tục vượt trên 1 tỷ USD.
Theo đánh giá của FTSE Russell, cổ phiếu Việt Nam ghi nhận tỷ suất sinh lời dài hạn cao hơn so với các cổ phiếu ở thị trường mới nổi khác trong khu vực. Tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 10 năm của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 107,8%, trong khi các thị trường mới nổi khác mang lại lợi nhuận khiêm tốn hơn. Hệ số P/E 12 tháng trung bình của chỉ số FTSE Vietnam 30 Index ở mức 15 lần, tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng lợi nhuận. Đây chính là nền tảng niềm tin để kéo dòng vốn trở lại chứng khoán dù chưa thể sớm bùng nổ.
Với bất động sản, các dữ liệu giao dịch cho thấy, sau thời kỳ gần như đóng băng trong trong nửa đầu 2023, từ tháng 7, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường nhà đã được ghị nhận. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc chưa thể tan băng trong năm 2023 dù các tín hiệu tích cực được kỳ vọng có thể xuất hiện từ quý IV trở đi. Với các điều kiện thuận lợi như hạ lãi suất cho vay, gỡ khó pháp lý… thị trường sẽ ấm lên và kỳ vọng hút dòng tiền mạnh phải qua 2024.
Theo diễn biến hiện nay, các chuyên gia cho rằng, lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn đang tăng nhưng đà tăng đã giảm. Dự kiến trong một thời gian tới sẽ có một lượng tiền lớn sẽ đi sang các kênh đầu tư khác, dù chưa đủ để đảo ngược xu thế.
Tổng Hợp
( VietnamFinance)