Một số ngân hàng xuất hiện tình trạng cạn “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Theo NHNN, như mọi năm sẽ dựa trên kiến nghị của các nhà băng rồi tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dựa trên thời điểm công bố nâng mức trần tín dụng vào năm ngoái, kỳ vọng hạn mức tăng trưởng sẽ được cấp mới trong quý sau. Điều này có thể khiến các ngân hàng thương mại tư nhân phải gặp khó khăn trong hoạt động cho vay cho tới thời điểm đó. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định, đã có một vài giải pháp được các ngân hàng sử dụng.
Các ngân hàng có thể hạn chế giải ngân các khoản vay dài hạn và tập trung vào các khoản vay ngắn hạn để đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ. Tình trạng khan hiếm dư địa cho vay cũng có thể dẫn đến sự tăng trưởng tích cực của các sản phẩm bán chéo, đặc biệt là bancassurance, vốn sẽ cải thiện khả năng tiếp cận khoản vay của những người mua bảo hiểm hoặc giúp thúc đẩy thủ tục giải ngân. Nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay cao hơn, điều này đã diễn ra ở một số ngân hàng tư nhân và thậm chí cả ngân hàng quốc doanh, tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân.
Các ngân hàng đang trong cảnh dư thừa tiền, không dám bừa bãi cho vay tín dụng bất động sản và tín dụng rủi ro do bị NHNN kiểm soát chặt bằng “cây gậy và củ cà rốt”. Chính vì vậy, các ngân hàng kỳ vọng, NHNN sẽ sớm nới room tín dụng để các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, cũng là để tận dụng cơ hội kinh doanh.
Với các nhà băng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành như Vietcombank và Techcombank, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường. Đầu năm ngân hàng VIB được NHNN cấp room tín dụng 8,5%, song Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này vừa thông qua mục tiêu tăng tín dụng 31% năm 2021. Vietcombank được NHNN giao hạn mức tín dụng 10,5% đợt đầu, song ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, nếu được NHNN điều chỉnh, ngân hàng này có thể tăng tín dụng 14% trong năm nay.
Tại ACB, tín dụng đến hết tháng 3/2021 ước đạt 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,1%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) và huy động của ACB trong năm 2021 đều ở mức 9%. Tại HDBank, dư nợ tín dụng quý 1/2021 tăng khoảng 5,2%. Tín dụng của Vietcombank cũng tăng 3,69% – mức cao nhất so cùng kỳ nhiều năm qua.
Theo số liệu do NHNN Việt Nam cập nhật, tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 15,66% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,9% so cuối năm 2020, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Theo đó, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34% so cuối năm 2020.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12 – 13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10 – 12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7 – 8%. Tuy nhiên, theo một quan chức của NHNN, kịch bản 3 – với mức tăng trưởng tín dụng bị siết ở mức tối đa 8% được xem là kịch bản vừa được lựa chọn trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Việc chọn mức tăng trưởng tín dụng 8% năm nay cho thấy sự thận trọng của NHNN, dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính chỉ ra mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức trên 12%, bởi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19. Không chỉ đưa ra các kịch bản tăng trưởng tín dụng thấp, tương tự như năm ngoái, NHNN còn thay đổi trong việc cấp hạn mức tín dụng trong năm 2021.
Những năm gần đây, NHNN sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Tuy nhiên, theo NHNN, năm 2021 sẽ có điều chỉnh bằng cách lấy theo số tăng trưởng bình quân, để sát với tình hình thực tế hơn.
Cương Nguyễn