Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN (Thông tư) về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.
theo quy định cũ tại Thông tư 02 và 09, ít nhất mỗi quý một lần, trong vòng 15 ngày đầu tiên của quý, ngân hàng phải tự phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng tương ứng và gửi kết quả cho CIC. CIC sẽ tổng hợp thông tin từ các ngân hàng và gửi cho ngân hàng danh sách khách hàng đang được xếp hạng theo nhóm nợ cao nhất trong vòng 3 ngày.
Các ngân hàng sẽ phân loại lại nợ và cam kết ngoại bảng, theo hướng dẫn của CIC, trong vòng 5 ngày sau khi nhận được kết quả của CIC. Trong khi đó, theo Thông tư 11, ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tháng, ngân hàng phải tự phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng tương ứng và gửi kết quả cho CIC. CIC sẽ tổng hợp thông tin từ các ngân hàng và gửi cho ngân hàng danh sách khách hàng đang được xếp hạng theo nhóm nợ cao nhất trong vòng 3 ngày. Các ngân hàng sẽ phân loại lại nợ và cam kết ngoại bảng, theo hướng dẫn của CIC, trong vòng 3 ngày sau khi nhận được kết quả của CIC. Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, quy định mới này cho phép ngân hàng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế trước khi có thông tư mới, hầu hết các ngân hàng mà SSI nghiên cứu dường như đã phân loại dư nợ và trích lập dự phòng theo tháng. Dù vậy, theo quan điểm của SSI, Thông tư này đóng vai trò là một văn bản để đảm bảo cho cả ngành áp dụng các tiêu chuẩn giống nhau. Do đó, Thông tư này sẽ không dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý rủi ro ngân hàng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Thông tư 11 không áp dụng đối với các ngân hàng được giám sát đặc biệt. “Chúng tôi nhận thấy có một ngoại lệ đối với việc phân loại nợ/tiền gửi được sử dụng để hỗ trợ các ngân hàng cụ thể trong tình trạng giám sát đặc biệt. Những ngoại lệ này cũng có thể áp dụng cho các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng đang chịu sự giám sát đặc biệt, có khả năng tạo điều kiện để xử lý các ngân hàng “0 đồng””, SSI cho biết. Nhìn chung, Thông tư này đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng.
Khoản nợ cơ cấu nợ
Liên quan đến quy định cơ cấu khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, hiệp hội phản ánh, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ, do đó, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD.
Với vướng mắc quy định về thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, Hiệp hội cho rằng, nhiều khách hàng sẽ không thể đáp ứng được áp lực trả nợ nếu như số dư nợ được cơ cấu phải phân bổ trong 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ theo quy định của Thông tư 03 do chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, NHNN cần xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc đề nghị giữ nguyên theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là “không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) đã ký”.
Về hỗ trợ đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ 4 (khách hàng bị phong tỏa), theo quy định tại Thông tư 03, nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định lại bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên CIC và chất lượng nợ của TCTD.
Do đó, cần sửa quy định theo hướng các TCTD được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tĩnh Kiên