Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam VABA, ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng, doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự đoán, năm 2021, các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vẫn tải hàng không. VABA đề nghị Nhà nước hỗ trợ tín dụng cho các hãng.
Tùy theo quy mô và khả năng ứng phó của từng hãng hàng không với Covid-19, mức độ khó khăn với mỗi hãng lại khác nhau. Vietnam Airlines “kêu cứu” từ rất sớm và đề xuất Chính phủ hỗ trợ tài chính để tránh cảnh phá sản, trong khi Vietjet Air hay Bamboo chỉ hy vọng được hỗ trợ tài chính bởi họ vẫn đang tự xoay xở được trong đại dịch.
Có lẽ, với việc được sở hữu bởi tư nhân, cả Vietjet Air lẫn Bamboo Airway đã ‘tự thân vận động’ ngay từ rất sớm, chuyển ngay sang tăng cường vận chuyển hàng cũng như đầu tư tài chính; trong khi Vietnam Airlines chỉ mới chú trọng khai thác vận chuyển hàng hóa mới đây.
Đến thời điểm hiện tại, cả 3 hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã chính thức thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” IATA Travel Pass của IATA. Đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia.
Vào tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng, vì thế VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục làm điều tương tự với các hãng khác. Trong đó Vietjet đề nghị vay tín dụng 4.000 đến 5.000 tỷ, trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay này. Bamboo Airway đề nghị được vay dài hạn khoảng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không đang kiệt sức vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài.
Âm vốn chủ sở hữu
Vietnam Airlines cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021, doanh thu tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 6.537 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu Vietnam Airlines tăng khoảng 9% nhưng nếu tính riêng mảng vận tải hàng không, doanh thu của hãng hàng không quốc gia giảm tới hơn 10%.
Trong khi đó, giá vốn của Vietnam Airlines vượt 10.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Do đó, Vietnam Airlines lỗ gộp gần 3.500 tỷ đồng, tăng 22% so với số lỗ năm trước. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỷ đồng. Doanh thu giảm 44% và số lỗ tăng 64% so với 6 tháng 2020.
Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, đến ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines vay nợ 34.462 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn 14.180 tỷ đồng và vay dài hạn 20.282 tỷ đồng. Tổng vay nợ chỉ tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vay ngắn hạn tăng thêm gần 3.000 tỷ, còn vay dài hạn giảm. Đến tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận với 3 ngân hàng để vay gói tái cấp vốn quy mô 4.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2021, Vietnam Airlines đã chính thức âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng.
Năm tài chính trước, luỹ kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng. Trong năm ngoái, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay, giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sản lượng hành khách của hãng cũng ước đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn, giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019.
Vietjet gồng lỗ
Vietjet Air cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021. Theo đó, doanh thu thuần đạt 3.542 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, mảng vận chuyển hành khách đạt 1.651 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm trước, nhờ nhu cầu đi lại cao trong tháng 4/2021.
Hãng cũng đã tìm cách nâng cao lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bất chấp ảnh hưởng của đợt Covid-19 thứ tư tại Việt Nam trong quý này. Bên cạnh đó, hoạt động phụ trợ cũng tăng trưởng 9% lên 1.018 tỷ đồng. Mảng sụt giảm là doanh thu chuyển quyền sở hữu và thương mại, từ hơn 3.100 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 1.200 tỷ đồng năm nay. Đây là mảng đem về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận năm ngoái, nhưng năm nay chỉ hòa vốn.
Vì vậy, Vietjet Air lỗ gộp 1.278 tỷ đồng trong quý II/2021. Đây là quý lỗ gộp thứ 5 của Vietjet Air trong 6 quý gần đây. Tuy nhiên, nhờ có 1.757 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính mà Vietjet Air thoát lỗ, đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lãi trước thuế 22 tỷ đồng, lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Vietjet Air đạt doanh thu thuần 7.590 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Số lỗ gộp là gần 2.300 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính là 3.151 tỷ đồng nên Vietjet Air lãi sau thuế 128 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Vietjet đã mạo hiểm đầu tư tài chính và đầu tư dự án để mở rộng danh mục kinh doanh nhằm hỗ trợ lĩnh vực vận tải hàng không, đồng thời tối ưu hóa nguồn vốn chủ sở hữu trong thời gian hàng không tạm thời chững lại. Tổng tài sản của Vietjet đạt 44.000 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2021. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp 0,73 trong khi hệ số thanh khoản duy trì ở mức 1,5, được coi là trong vùng an toàn và hoạt động tốt trong ngành hàng không.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên 34.000 chuyến bay. Hãng cũng đã tập trung vào việc hoàn thiện các quy trình vận hành và đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa, dẫn đến mức tăng trưởng 40% – 45% so với cùng kỳ năm trước với tổng lượng hàng hóa được giao hơn 37.000 tấn.
Vietjet Air đã bắt tay cùng Tập đoàn UPS cải thiện mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan). Vietjet Air vẫn đang cố gắng đa dạng hóa ngành nghề trong thời điểm khó khăn này, nhằm xoay xở dòng tiền cho các hoạt động kinh doanh chính. Thế nên, vào ĐHCĐ 2021, HĐQT Vietjet Air đã trình ĐHĐCĐ thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó sửa đổi một số ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, nhằm cải thiện dịch vụ và triển khai một số hoạt động kinh doanh mới phù hợp với thực tế hoạt động, HĐQT đề xuất bổ sung ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ. Đối với hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, ngoài đại lý bán vé máy bay, tàu hoả, tàu thuỷ, ôtô còn bổ sung dịch vụ giao nhận hàng hoá, logistics, thu, phát các chứng từ vận tải vận đơn.
HĐQT Vietjet cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch bổ sung thêm 35 ngành nghề như bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, buôn vải hàng may mặc, giày dép, bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống thuốc lá thuốc lào trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh tổng hợp; xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ, lập trang thông tin tổng hợp; nhiếp ảnh…
Bamboo lao đao
Theo một báo cáo từ chính Bamboo Airway, thì năm 2020, hãng bay này ghi nhận doanh thu 175 triệu USD (khoảng 4.023 tỷ đồng), tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Do kinh doanh dưới giá vốn, hãng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức âm 156 triệu USD. Con số này cao gấp 3 lần mức lỗ cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, trong cả 2 năm 2019 và 2020, Bamboo Airways có nguồn thu từ doanh thu tài chính, do đó lợi nhuận sau thuế của hãng trong 2 năm đều quay đầu tăng nhẹ. Năm 2020 Bamboo Airways thu về 201 triệu USD doanh thu tài chính, trong khi năm 2019 hãng ghi nhận khoản này ở mức 78,5 triệu USD. Sau thuế, Bamboo Airways lãi 13,4 triệu USD, tăng nhẹ so với mức lãi 10,4 triệu USD năm 2019.
Đầu năm 2020, dòng tiền của Bamboo Airways được ghi nhận ở mức 25,7 triệu USD. Tới cuối năm, con số này tăng lên 38,7 triệu USD. Dòng tiền của hãng duy trì được trong dịch Covid-19 chủ yếu đến từ các khoản vay tổng giá trị lên tới 187,2 triệu USD. Sau 3 năm hoạt động, Bamboo Airways cũng được ghi nhận là hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh, với số chuyến bay trung bình ngày tăng gần 9 lần, mạng bay tăng từ 6 đường bay lên gần 60 đường bay hiện tại, nằm trong top đầu hãng hàng không có đường bay phủ rộng khắp Việt Nam.
7 tháng năm 2021, hãng vẫn tăng 22% số chuyến bay khai thác so với cùng kỳ 2020. Họ là một trong số ít cái tên trên thế giới khai thác vượt công suất cùng kỳ năm trước. Mạnh mẽ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ kiểm soát điều hành bay tối ưu, Bamboo Airways liên tục giữ ngôi vị đúng giờ nhất toàn ngành hàng không trong nước, với tỷ lệ bay đúng giờ khoảng 96%.
Tính chung, sau 3 năm cất cánh, mặc dù hơn một nửa thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bamboo Airways đã vận chuyển hơn 9 triệu lượt hành khách. Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận, Bamboo Airways liên tiếp dẫn đầu trong thống kê các hãng hàng không phục hồi và vượt công suất khai thác sau mỗi đợt dịch.
Cương Nguyễn