Nửa đầu năm 2021, ngay trong “cơn bão” dịch bệnh, thị trường vẫn có một số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám giữa các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư trong nước. Đến nay hàng loạt doanh nghiệp tích cực đi thâu tóm quỹ đất vùng ven TP.HCM để mở rộng và phát triển…
M&A luôn là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản và hoạt động M&A bất động sản cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thị trường M&A nói chung. Trong giai đoạn đại dịch bệnh bùng phát mạnh, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, thời kỳ hậu COVID-19, chính nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ. Bởi, đây là mục tiêu để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư kinh doanh, bao gồm M&A dự án và cả hoạt động sáp nhập công ty để mở rộng hoạt động kinh doanh.
TP.HCM và đặc biệt các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai luôn thu hút đầu tư đối với phân khúc nhà ở như căn hộ, nhà gắn liền với đất… Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, bên cạnh các dự án nhà ở, các dự án bất động sản biển vẫn là chủ đạo. Ở các tỉnh miền Trung, ngoài bất động sản nghỉ dưỡng vốn là phân khúc chủ đạo thì cũng bắt đầu có xu hướng M&A dự án nhà ở từ 2 năm qua và xu hướng này sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, thị trường vốn và tài chính sẽ sôi động, phát triển. Thêm vào đó, doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của mỗi bên như kinh nghiệm phát triển bất động sản, thương hiệu, vốn, quỹ đất, trình độ kỹ thuật xây dựng…M&A là hợp tác đôi bên cùng có lợi và chia sẻ cơ hội, giảm bớt thời gian và các chi phí ban đầu cho mỗi doanh nghiệp nếu phải xây dựng, triển khai từ đầu. Từ đó, phát triển quy mô doanh nghiệp lên tầm mới và mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp đang tạo ra hệ sinh thái cho riêng mình và trở thành những tập đoàn lớn.
Ngay trong tâm dịch, các chủ đầu tư vẫn rất tích cực “đi chợ” với mục tiêu mở rộng quỹ đất bởi dư địa và kỳ vọng thị trường hồi phục. Hơn nữa, M&A được xem là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, M&A tốt cho cả thị trường và có thể giúp các dự án đang gặp khó khăn sau khi được hồi sinh, gia tăng nguồn cung cho thị trường…
Công ty CP Phát triển Thành phố Xanh (công ty con của Vinhomes) cũng đã chuyển nhượng xong 2 lô đất có diện tích hơn 7 ha thuộc một phần dự án Vinhomes Grand Park tại TP. Thủ Đức cho Công ty TNHH Phát triển BĐS Masterise Homes (Masterise Group).
Tương tự, Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico sở hữu quỹ đất 130 ha tại Long An) thông qua công ty thành viên Công ty May Tiến Phát mua 11% vốn của Long An Idico. Không những vậy, TTC Land còn hợp tác với Tổng Công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.
Tại Bình Dương, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã hoàn tất mua 99,5% cổ phần của Công ty CP BĐS Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương bằng việc bổ sung danh sách dự án đầu tư chung cư Bình Dương Tower, quy mô hơn 4,5ha tại TP. Thuận An, Bình Dương… Ngoài ra, là một số thương vụ của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nước ngoài.
Nửa đầu năm nay, thị trường ghi nhận một số thương vụ M&A lớn. Đơn cử như thương vụ Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (Tập đoàn An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty CP Năm Bảy Bảy. Dự kiến, An Gia sẽ đưa ra thị trường 7.000 – 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022.
Hay những năm gần đây, với bối cảnh các dự án ở TP.HCM gặp nhiều vấn đề về pháp lý, Novaland đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư vào các thị trường vệ tinh quanh TP.HCM. Trong đó, Đồng Nai là thị trường chủ lực với siêu dự án Aqua City.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)